Các nhóm thuốc thường dùng:
- Nhóm thuốc kháng histamin: Là các kháng histamin thụ thể H1. Thuốc làm giảm chảy mũi, ngứa mũi, sổ mũi, chảy nước mũi nhưng không chống được nghẹt mũi. Thế hệ 1 gây buồn ngủ, không tiện lợi. Thế hệ 2 không gây buồn ngủ, tiện lợi hơn, nhưng tác dụng phụ nguy hại, đắt tiền hơn. Một số thuốc trong thế hệ 2 thường gây rối loạn bất thường tim (hiện tượng xoắn đỉnh) nên cấm dùng.
- Nhóm thuốc gây co mạch:
+ Dạng uống: Trong viêm mũi dị ứng (VMDƯ), mạch máu ở niêm mạc mũi bị giãn, làm sung huyết, phù nề, dẫn đến ngạt mũi. Các thuốc này làm cường giao cảm, gây co mạch, nên chống lại được các triệu chứng trên.
Ephedrin dùng đơn độc dưới dạng uống, nhỏ pseudoephedrin, phenylpropanolamin thường phối hợp trong các thuốc trị cảm cúm, trị ho dưới dạng uống. Chúng có thể gây một số tác dụng phụ ở các mức khác nhau (tùy loại, tùy liều) như: tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, đau thắt ngực, nhức đầu, choáng váng, khó ngủ, chán ăn, run tay, nên không dùng cho những người có các bệnh: cao huyết áp, đau thắt ngực, mạch vành, cường tuyến giáp, tiểu đường, có tiền sử tai biến mạch máu não.
Riêng phenylpropanolamin có độc tính cao hơn (có thể gây chảy máu não, màng não) một số nước chỉ cấm dùng làm thuốc chống béo, một số nước bắt buộc mọi biệt dược phải bán theo đơn(Pháp), một số nước cấm dùng hoàn toàn (Trung Quốc). Ở Việt Nam cho dùng theo chế độ giảm độc với hàm lượng trong chế phẩm nhỏ hơn hay bằng 30mg.
+ Dạng nhỏ hay xịt mũi: thường dùng naphazolm, xylomethazolin... Thuốc làm cường giao cảm, gây co mạch, chống phù nề dẫn đến chống nghẹt mũi, tạo cho người bệnh cảm giác dễ chịu, khỏe khoắn. Lúc đầu có hiệu quả nhưng về sau không có hiệu quả, thậm chí gây phản ứng ngược lại làm nghẹt mũi nhiều hơn gọi là "tác dụng dội ngược".
Khi dùng lâu dài, không những thuốc có tác dụng tại chỗ mà còn thấm qua mạch máu niêm mạc vào sâu bên trong gây tác dụng toàn thân, tạo ra các triệu chứng độc giống như nhóm thuốc cường giao cảm dạng uống. Để tránh hai điều bất lợi này chỉ nên dùng liều vừa đủ, mỗi đợt chỉ dùng trong thời gian ngắn, thường không quá 7 ngày.
+ Thuốc làm săn niêm mạc mũi: Dung dịch natriclorid 0,9% làm săn niêm mạc, gây co mạch, chống sung huyết, phề nề nên đỡ nghẹt mũi. Không độc.
- Nhóm corticoid: Dùng dưới dạng xịt hay uống. Khi dùng dạng xịt, thuốc chủ yếu tác dụng tại chỗ, đồng thời có một phần rất nhỏ hấp thu vào máu nhưng hàm lượng ít và khi vào gan bị phân giải nên không gây ra tác dụng phụ như khi uống hay tiêm. Việc điều trị phải kéo dài một thời gian nhất định, thường một năm dùng một tháng thì bệnh gần như ổn định trong cả năm.
Lưu ý loại dùng để xịt mũi được chế bằng phương pháp đặc biệt, khi bơm vào mũi sẽ phun thành những hạt cực nhỏ li ti bám vào niêm mạc mũi. Có nơi thầy thuốc dùng loại hydrocortlson tiêm làm khí dung nên hiệu quả không cao. Cũng có trường hợp dùng corticoid xịt không có hiệu quả vì không kiên trì dùng đủ thời gian, hoặc vì nghẹt mũi nên thuốc không đến được nơi cần thiết. Nếu bị nghẹt mũi có thể tiêm hay uống coritcoid chỉ trong một thời gian ngắn (3 tháng mới được dùng một đợt, mỗi đợt không được quá 2 tuần), khi hết nghẹt mũi lại tiếp tục dùng thuốc xịt, kết quả sẽ tốt hơn.
Thường dùng prednisolon 5-25mg, chỉ dùng một lần vào buổi sáng sẽ ít có tác dụng phụ hơn chia làm nhiều lần. Nếu bị VMDƯ quanh năm, có thể chọn dùng loại methylprednisolon có tác dụng kéo dài 40-80mg. Không dùng corticoid uống, tiêm thay hoàn toàn thuốc xịt. Không dùng corticoid cho người bị glaucome, tiểu đường, loãng xương nặng, tăng huyết áp nặng, viêm giác mạc do virus, các bệnh nhiễm khuẩn nặng.
Nếu VMDƯ có kèm nhiễm khuẩn có thể dùng thuốc dạng phối hợp (thuốc chống bội nhiễm và thuốc nhóm corticoid.
Lưu ý: Với trẻ em nên dùng natriclorid 0,9%. Có thể dùng ephedrin 1% nhưng chỉ dùng khi thật cần thiết, không dùng quá 8 ngày. Khi bị bội nhiễm và trẻ trên 3 tuổi có thể dùng thuốc xịt có chất chống bội nhiễm như cotifra, biocidan. Không dùng cho trẻ dưới 15 tuổi các thuốc có chứa naphazolin, xylomethazolin... (vì trẻ nhạy cảm dễ bị co thắt mạch máu ở tim, não, da, đầu chi). Trẻ em VMDƯ theo mùa thì có thể dùng thuốc xịt corticoid từng đợt nhưng không nên dùng cho trẻ dưới 4 tuổi, không dùng cho trẻ bị VMDƯ thường xuyên.
Điều cấm kỵ là người bị VMDƯ không dùng thuốc nhỏ, xịt mũi liên tục vì hầu hết thuốc khi dùng liều cao, kéo dài sẽ gây ngộ độc thuốc thậm chí còn gây "tác dụng dội ngược" làm viêm mũi nặng hơn, rất khó điều trị. Chỉ nên dùng khi cần với liều vừa đủ không kéo dài.
Người bệnh nên dùng corticoid xịt dự phòng, hay dùng corticoid xịt sớm, khi bệnh còn nhẹ.
Người bị VMDƯ có thể dùng corticoid xịt, một thời gian dài thì bệnh có thể ổn định hằng năm, nhưng phải kiên trì dùng đủ thời gian.
Người bị VMDƯ cần hạn chế tiếp xúc với những vật gây dị ứng (tránh bụi, khói...).
Bình luận (0)