Nhưng lao tâm khổ tứ để đạt được chứng nhận JCI phải chăng chỉ là để trưng bày, khoe mẽ, hay đơn giản hơn là để tiếp thị? Vậy vị trí của bệnh nhân ở đâu? Các bệnh nhân được lợi ích gì từ con dấu này?
Mục tiêu tối thượng: Sự an toàn của bệnh nhân
“Từ khi xây dựng, chúng tôi đã xác định giá trị cao nhất của Bệnh viện FV đó là bệnh nhân là tất cả đối với bệnh viện, nghĩa là lấy bệnh nhân làm trung tâm chứ không phải bác sĩ làm trung tâm. Đây là mục tiêu tối thượng và khi đạt được JCI thì càng phải bảo đảm thực hiện được mục tiêu này hơn nữa” - Tổng Giám đốc - bác sĩ Jean-Marcel Guillon chia sẻ.
Quản lý bệnh viện quả là nghề không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là “khá nguy hiểm” khi đây là địa chỉ của các sự cố và căn bệnh. Theo bác sĩ Guillon, chỉ cần vài sai sót y khoa đơn giản, từ việc bác sĩ cho bệnh nhân sai thuốc, điều trị quá liều, hay lây nhiễm từ người khác... tất cả đều dẫn đến tình trạng nguy hiểm cho bệnh nhân.
Đấy là lý do các tiêu chuẩn JCI luôn được yêu cầu tuân thủ một cách khắt khe để giảm thiểu những sự cố nhằm đặt sự an toàn của bệnh nhân lên đầu. Nhưng bằng cách nào?
Bác sĩ Guillon cho biết JCI quy định rất tỉ mỉ và cụ thể, từ cách bác sĩ hoặc điều dưỡng phải tiếp cận bệnh nhân đến cách chăm sóc để ngăn ngừa bệnh nhân té ngã. Quy trình JCI cũng chỉ dẫn cách bác sĩ, phẫu thuật viên chuẩn bị các y lệnh, y khoa hay báo cáo liên quan đến y khoa. Thêm nữa, đó là các tiêu chuẩn về cách dùng thuốc hết sức cẩn thận, kỹ càng bên cạnh những quy định quản lý tòa nhà bệnh viện, cách quản lý trang thiết bị, cách ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện...
Chẳng hạn, khi bệnh nhân đến, sau quy trình phân lọc bệnh, những người bị bệnh truyền nhiễm ngay lập tức được cách ly trong phòng có áp lực âm. Đấy là một phòng đặc biệt nơi không khí chỉ có thể đi từ ngoài vào chứ không thể từ trong ra ngoài, do áp lực thấp hơn, vì thế vi khuẩn không thể phát tán ra được. Bác sĩ Trình Văn Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu, cũng kể lại câu chuyện ông theo đoàn tháp tùng Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 5 vừa qua, vì FV là bệnh viện dự phòng hỗ trợ y tế cho phái đoàn Tổng thống Mỹ. “Họ có các quy trình an ninh của mình, mục đích tối thượng là bảo vệ an ninh cho Tổng thống. Vậy trong ngành y, làm đúng quy trình JCI cũng nhằm mục đích cuối cùng là bảo vệ sức khỏe bệnh nhân. Càng có kinh nghiệm bao nhiêu thì càng nhận thấy điều đó cần thiết bấy nhiêu” - bác sĩ Hải nhận định.
Văn hóa JCI
Theo bác sĩ Juan Lucas Rosas, Giám đốc Quản lý Chất lượng của Bệnh viện FV, cứ 3 năm một lần, các chuyên gia của JCI sẽ tái thẩm định. FV không chờ đến 3 năm sau mà đã xây dựng một văn hóa JCI - văn hóa an toàn cho bệnh nhân nhằm đưa các tiêu chuẩn đó trở thành chuẩn mực thông thường trong hoạt động. “Phải duy trì mỗi phút, mỗi giây bất kỳ lúc nào, chứ không chờ đến đợt kiểm định tới rồi mới học lại, làm lại...” - bác sĩ Hải ví von về văn hóa JCI của FV.
Theo bác sĩ Hải, trong lần đánh giá kế tiếp, JCI không chỉ kiểm tra khắt khe hơn mà số tiêu chuẩn còn tăng thêm. Chưa hết, những chỉ tiêu chưa hoàn chỉnh của lần một sẽ được săm soi kỹ lưỡng hơn. Không chỉ vậy, trong suốt thời gian 3 năm đó, nếu nhận được bất cứ “tố cáo” nào về việc FV không đạt chất lượng, JCI sẽ quay lại kiểm tra bất ngờ và có thể “đòi lại” con dấu vàng nếu phát hiện vi phạm. “JCI muốn bảo đảm rằng con dấu vàng đó không phải để bán mà muốn chất lượng đó được duy trì để đem lợi ích thật sự cho bệnh nhân. Chúng tôi không muốn con dấu đó chỉ là vật trang trí” - bác sĩ Hải nói.
Tổng Giám đốc, bác sĩ Guillon, cũng khẳng định: “Đã đạt được chứng nhận JCI không có nghĩa là hoàn toàn yên tâm với chất lượng mà phải luôn duy trì chất lượng ở mức độ cao và ổn định để sẵn sàng cho những lần tái thẩm định về sau”.
Bình luận (0)