Loài vi khuẩn siêu độc hại được CDC gọi là "vi khuẩn ác mộng" có tên khoa học là Klebsiella pneumoniae, một vi khuẩn đa kháng thuốc cực mạnh đã gây nhiễm trùng cho 221 người Mỹ ở 27 tiểu bang khác nhau trong năm qua. Đáng sợ là nhiều kháng sinh mạnh nhất hiện nay đã đầu hàng trước chúng.
Klebsiella pneumoniae được CDC đặt biệt danh là "vi khuẩn ác mộng" vì mức độ nguy hiểm của nó - ảnh: NEWSWEEK
Tỉ lệ chết khi nhiễm vi khuẩn này là 50%, cho dù có được điều trị. Nguyên nhân vi khuẩn này mạnh đến vậy là do chúng mang một số gen đặc biệt giúp đối phó với các kháng sinh.
Các quan chức y tế lo ngại rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn và sẽ có thêm nhiều người bị ảnh hưởng bởi chứng nhiễm trùng nan y do "vi khuẩn ác mộng" gây nên. Họ cảnh báo rằng một số người từng tiếp xúc với người bệnh, tuy không phát bệnh nhưng sự phơi nhiễm đủ để họ mang vi khuẩn này đi phát tán ra cộng đồng. Nhiều người trong số đó đã được kiểm tra và các bác sĩ phát hiện có tới 11% có phơi nhiễm nhưng không bị bệnh.
Vi khuẩn, virus kháng thuốc là chủ đề khiến ngành y tế nhiều quốc gia đau đầu trong những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là sự lạm dụng kháng sinh trong nhiều thập kỷ, vô tình tạo ra các chủng vi khuẩn, virus mạnh mẽ hơn: chúng đã thích ứng và đề kháng lại với thuốc của con người để sinh tồn.
Theo tiến sĩ Anne Schuchat, Phó Giám đốc CDC, chỉ riêng nước Mỹ đã có 2 triệu người bị nhiễm các loại vi khuẩn đề kháng với kháng sinh mỗi năm và trong đó có 23.000 người chết.
Hiện các chuyên gia y tế khắp thế giới đang lao vào cuộc chạy đua tìm kiếm các phương pháp thay thế kháng sinh, chú trọng đến phát huy các khả năng tự nhiên của cơ thể cũng như các liệu pháp sinh học ít tác dụng phụ.
Bình luận (0)