Với thời tiết nắng nóng như những ngày qua ở miền Bắc và miền Nam nhiều người hy vọng sẽ "tiêu diệt" được virus SARS-CoV-2, thế nhưng trên thực tế virus vẫn lây lan rất nhanh, mỗi ngày nước ta vẫn ghi nhận thêm hàng trăm ca mắc Covid-19 mới.
Các chuyên gia y tế lý giải chủng virus gây bệnh qua đường hô hấp rất "thích" thời tiết mát và lạnh nhưng không có nghĩa trời nắng nóng, thậm chí nắng nóng gay gắt thì giảm nguy cơ mắc bệnh.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế, cho biết biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn.
Virus SARS-CoV-2 có thể bị tiêu diệt ở ngoài trời nắng nóng nhưng các ca nhiễm hầu hết có sự tiếp xúc gần
"Thông thường, nếu virus ra ngoài trời, gặp nhiệt độ cao sẽ không tồn tại được lâu, nhưng thực tế các trường hợp mắc bệnh đều do tiếp xúc gần trong nhà hoặc trong môi trường làm việc kín. Hơn nữa, khi virus SARS-CoV-2 tồn tại trong cơ thể thì nhiệt độ cơ thể người luôn phù hợp cho virus nhân lên và phát triển, do đó dù trong điều kiện thời tiết nào, dù là mùa đông hay mùa hè, trời lạnh hay nóng, nếu có sự tiếp xúc gần hoặc không thực hiện các biện pháp bảo hộ đầy đủ thì nguy cơ lây bệnh sẽ rất cao"- PGS Phu giải thích.
Ngoài ra, theo PGS Trần Đắc Phu, virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt của họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh nếu không thực hiện phòng hộ đầy đủ.
"Việc lây lan dựa trên sự tiếp xúc giữa người với người chủ yếu trong nhà nơi nhiệt độ không cao và thoáng khí. Đặc biệt, virus lây mạnh trong môi trường kín như quán bar, bệnh viện, địa điểm massage, nhà máy trong khu công nghiệp (điều hòa, tập trung đông người, ngồi sát nhau…). Trong môi trường kín, thông khí kém, sử dụng điều hòa, virus lơ lửng trong không khí chứ không rơi xuống, virus lây mạnh hơn. Điều này có thể thấy rõ trong ổ dịch tại quán bar, nhà máy trong khu công nghiệp"- PGS Phu giải thích.
Nắng nóng không làm giảm nguy cơ lây lan của virus SARS-CoV-2
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng dù tiết trời rất nóng, trên thực tế sự lây nhiễm đã diễn ra trong các môi trường mát và kín, tập trung đông người. SARS-CoV-2 có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao nhưng không giảm lây truyền khi tiếp xúc gần.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, cho biết chỉ ở trong môi trường thoáng khí, có ánh sáng tự nhiên, SARS-CoV-2 mới có ít cơ hội sống sót. Còn khi ở trong cơ thể người, chúng vẫn phát triển, không liên quan đến nhiệt độ môi trường.
Các bác sĩ cũng lưu ý, hình thức lây chủ yếu của virus vẫn là thông qua giọt bắn. Sau khi ra khỏi vùng hầu họng của người mang bệnh, virus có thể sống trong giọt bắn. Khi một người hít phải giọt bắn nước bọt đó sẽ mắc Covid-19. Kể cả khi hai người đứng ngoài nắng mà tiếp xúc gần, virus vẫn có thể lây lan.
Phòng cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương luôn mở cửa thông thoáng
Với việc virus SARS-CoV-2 lây lan trong không khí, PGS Trần Đắc Phu cho rằng ở đây được hiểu là môi trường kín, có bật điều hòa, không mở cửa thông thoáng khí... Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh, các cơ sở điều trị bệnh nhân, các tòa nhà sử dùng điều hòa tổng cũng như các khu văn phòng, khu vực nhà ở có bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2… nên hạn chế dùng điều hoà, hãy mở các cửa, đảm bảo thông thoáng không khí.
"Môi trường thông thoáng và nắng nóng từ ánh sáng mặt trời sẽ làm giảm mạnh khả năng hoạt động và giảm nguy cơ lan tràn lây nhiễm của hầu hết các chủng virus gây bệnh đường hô hấp. Mở cửa thông thoáng nơi ở và ánh nắng mặt trời là một trong những khắc tinh của virus gây bệnh hô hấp"- một chuyên gia khuyến cáo.
PGS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo cho đến nay việc thực hiện các nguyên tắc 5K và tiêm vắc-xin phòng bệnh là giải pháp căn bản, hiệu quả nhất để phòng chống dịch Covid-19. Thậm chí, kể cả đã tiêm vắc-xin rồi, người dân vẫn cần tuân thủ các 5 nguyên tắc trên, trong đó có việc đeo khẩu trang đúng cách.
Bình luận (0)