Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho biết hiện bệnh viện chỉ có huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, rắn lục đen, rắn chàm quạp còn huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong, cạp nia đã hết từ đâu.
Bác sĩ Phương lý giải do các trường hợp bị rắn cạp nong, cạp nia cắn không nhiều nên các công ty ít khi nhập về vì sợ lỗ. Bên cạnh đó, khi bị rắn này cắn có thể điều trị thay thế bằng phương pháp hỗ trợ hô hấp. Bệnh nhân sẽ được thở máy khoảng hai tuần, tiên lượng sống cao.
Thông tin thêm về vấn đề này, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết khoảng 1 năm nay, huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia tại bệnh viện không còn. Loại huyết thanh này được nhập từ Thái Lan. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng dịch Covid-19, huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia chưa được sản xuất nên Việt Nam chưa thể nhập.
Theo bác sĩ Hùng, nếu có huyết thanh kháng nọc rắn thì việc điều trị sẽ hiệu quả và nhanh hơn. Hiện nếu trường hợp bị rắn cạp nia cắn, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phương pháp thở máy cho đến khi giải được hoàn toàn độc tố trong người. Tuy nhiên, nếu người bệnh được cấp cứu muộn sẽ rơi vào tình trạng chết não, tiên lượng tử vong rất cao. Lúc này, việc cứu sống bệnh nhân được hay không phụ thuộc vào thời điểm nhập viện và lượng độc tố đi vào người.
Cũng theo bác sĩ Hùng, không chỉ huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia mà bệnh viện còn thiếu cả huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa.
Bình luận (0)