Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 ở một số tỉnh phía Nam liên tục tăng cao, trong đó có TP HCM. Đến sáng nay 4-7, TP HCM có tổng cộng 5.652 ca Covid-19 được Bộ Y tế công bố.
Biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh
Với vai trò là Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế ở TP HCM từ ngày 14-6 đến nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng việc số ca mắc Covid-19 ở TP HCM tăng nhanh trong những ngày gần đây có nhiều lý do. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do tính chất phức tạp của biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2. Đây là biến chủng có khả năng lây lan rất nhanh, đặc biệt khi tiếp xúc gần.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 mở rộng để sàng lọc ở chung cư Mỹ Phúc, phường 16, quận 8, TP HCM - Ảnh: Hoàng Triều
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch Covid-19 TP HCM mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết dịch không chỉ khu trú tại TP HCM mà lan sang một số địa phương giáp ranh như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh xa có mối quan hệ rất mật thiết với thành phố như Tiền Giang, Đồng Tháp… mối giao thương hai chiều cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ cả hai địa phương.
Đáng chú ý, các ca nhiễm cộng đồng bắt đầu có xu hướng xảy ra nhiều, gây thêm khó khăn cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh tại TP HCM còn phức tạp, khó lường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định tình hình dịch bệnh tại TP HCM còn rất phức tạp
Nhận định về tình hình dịch, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho hay nguyên nhân là do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh. Đợt dịch này lây nhiễm, bùng phát trong hàng xóm, gia đình, nơi làm việc, đặc biệt các tòa nhà văn phòng, cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh...
Một số chuyên gia thông tin thêm biến thể Delta đã ghi nhận tại 85 quốc gia có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Covid-19. Tại khu vực phía Nam đã ghi nhận một số trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính SARS-CoV-2 chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm.
GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho biết TP HCM có tập trung mật độ dân ở khu chợ, hoặc khu đông dân cư nên có ca bệnh sẽ lây lan nhanh. Bên cạnh đó, đây là địa bàn có những nhà máy lớn đông công nhân, khu công nghiệp. Do đó, một công nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng đi vào làm việc cũng có khả năng lây lan cho cả một quần thể người lao động.
Ngoài ra, theo GS Lân, nhờ công tác tổ chức xét nghiệm diện rộng, không chỉ người trong khu cách ly, phong toả mà kể cả ở các khu cộng đồng dân cư cũng nhanh chóng phát hiện người dương tính.
Tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết hiện Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 TP HCM đã có những quyết định "hết sức cần thiết" như thành lập Trung tâm điều hành, điều phối công tác xét nghiệm với mục đích đẩy nhanh công tác xét nghiệm.
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đặt tại Trường tiểu học Hiệp Tân (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP HCM) - Ảnh: Hoàng Triều
Theo báo cáo của Sở Y tế TP HCM, TP đã có khả năng lấy 1,4 triệu mẫu/ngày; năng lực xét nghiệm đạt tới 450.000 xét nghiệm cho mẫu gộp. "Đây là con số chúng tôi rất tin tưởng thời gian tới khi chúng ta lựa chọn những vùng trọng tâm, trọng điểm; sử dụng nhuần nhuyễn test nhanh, test khẳng định Realtime RT-PCR, TP HCM sẽ sớm kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Việc cách ly trường hợp F1 tại nhà như hướng dẫn của Bộ Y tế áp dụng cho TP HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho là rất cần thiết. Thời gian tới, khi TP HCM xây dựng kế hoạch có thể sử dụng công thức 14+14. Nghĩa là những F1 sau 14 ngày cách ly tập trung sẽ được khảo sát nơi lưu trú nếu đủ điều kiện như quy định của Bộ Y tế thì sẽ tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày để giảm tải cho khu cách ly tập trung.
Trong cuộc họp gần đây giữa lãnh đạo UBND TP HCM với Trung ương, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh TP HCM phải tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm. Năng lực ở đây không phải là số lượng xét nghiệm mà là khâu tổ chức xét nghiệm để làm sao không bỏ sót F0.
TP HCM cũng khẳng định việc lấy 5 triệu mẫu sẽ được hoàn thành và khung thời gian mà TP đề ra chỉ ở mức tương đối. Trong sáng 3-7, TP HCM đã tạm ngừng việc lấy mẫu diện rộng và ưu tiên chuyển sang lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 100.000 thí sinh và cán bộ coi thi. Điều này sẽ giúp cho kỳ thi diễn ra an toàn và tạo tâm lý yên tâm cho các thí sinh cũng như phụ huynh.
Tính đến chiều tối 3-7, TP HCM đã hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, giáo viên và thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, đạt tỉ lệ hơn 95% số thí sinh và hơn 92% cán bộ tham gia công tác thi. Dự kiến kết quả xét nghiệm sẽ được trả trong ngày 4-7 và 5-7.
TP HCM nỗ lực khống chế dịch Covid-19
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM, tình hình dịch bệnh tại TP HCM đang diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh. Trong những ngày qua, số ca mắc mới liên tục nằm ở mức 3 con số. Trước tình hình này, TP đã có những thay đổi trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng trong đợt cao điểm để nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19.
Về việc khoanh vùng, thành phố sẽ tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong 1 giờ hoặc sớm hơn nữa ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19. Để có căn cứ khoanh vùng, nhân viên điều tra dịch tễ sẽ tiến hành điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.
Trong đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 lần này, TP sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng. Trung tâm Y tế quận/huyện và trạm y tế sẽ đảm trách tổ chức lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm phục vụ chống dịch.
Việc phân công lực lượng này nhằm đảm bảo 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin và các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ; các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó, sẽ quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.
Bình luận (0)