Ngày 31-3, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết theo dự thảo Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, tất cả bệnh viện (BV) trong cả nước sẽ được phân hạng theo cùng một bộ tiêu chí và giá dịch vụ y tế của các BV cùng hạng sẽ như nhau.
Mất cân bằng về quyền lợi
Hiện tại, giá dịch vụ y tế do từng tỉnh, thành quy định nên giá thanh toán BHYT đối với các BV cùng hạng, cùng trình độ, cơ sở vật chất, cùng kỹ thuật có mức khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng về quyền lợi trong khi mức đóng BHYT là tương đương. Với việc thống nhất giá dịch vụ y tế, một số bệnh viện tuyến trung ương hoặc tuyến tỉnh trước đây được phê duyệt giá dịch vụ y tế ở mức cao sẽ bị hạ xuống và có những cơ sở y tế trước đây phê duyệt giá thấp sẽ được nâng lên. Dự kiến, các BV hạng đặc biệt và hạng I trực thuộc Bộ Y tế có mức giá điều chỉnh giảm khoảng 2,5%.
Ngoài ra, theo ông Liên, viện phí dự kiến sẽ tính thêm chi phí tiền lương của cán bộ y tế cùng với 3 yếu tố chi phí trực tiếp hiện hành (thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, điện, nước, vệ sinh, thủ thuật, xử lý chất thải và duy tu bảo dưỡng trang thiết bị). “Ước tính viện phí sẽ tăng khoảng 30% nếu tính thêm chi phí tiền lương” - ông Liên nói.
Bộ Y tế cho biết việc điều chỉnh viện phí này nằm trong lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế được đưa ra tại kết luận số 63-KL/TW ngày 27-2-2013 của Hội nghị Trung ương 7 với nội dung xác định khung giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công lập, từng bước tính đủ tiền lương, chi phí thường xuyên theo lộ trình, phù hợp với thu nhập người dân. “Theo lộ trình này, việc đưa tiền lương vào viện phí phải hoàn thành trong năm 2015. Kể cả khi đã tính lương thì viện phí mới chỉ mới tính 4/7 yếu tố. Theo lộ trình đến năm 2018, khi giá dịch vụ y tế được tính đúng tính đủ 7/7 yếu tố thì không cơ sở y tế nào được phép thu thêm bất kỳ khoản gì của người dân. Số tiền từ ngân sách nhà nước để chi trả tiền lương cho nhân viên y tế sẽ dành để hỗ trợ cho các đối tượng mua thẻ BHYT” - ông Liên nhấn mạnh.
Không ảnh hưởng tới người nghèo
Đại diện Bộ Y tế cho rằng giá dịch vụ y tế không đơn thuần là để người dân phải trả chi phí cho BV mà còn là cơ sở để cơ quan BHXH thay mặt người dân thanh toán cho BV. Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam - cho rằng điều mà người bệnh nhận nhiều nhất sau khi tăng viện phí là cơ quan bảo hiểm sẽ có cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho họ, người bệnh sẽ không phải nộp thêm những khoản tiền phi lý mà một số BV vẫn yêu cầu như hiện nay. Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh có thẻ BHYT đối với các dịch vụ mà trước BHYT không thanh toán đủ các chi phí.
Ông Liên cũng khẳng định việc điều chỉnh viện phí sẽ không ảnh hưởng đến đối tượng thuộc diện khó khăn. Có khoảng 23,7 triệu người nghèo, dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách từ ngày 1-1-2015 đã được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thay vì 95% như trước kia. Cùng đó, đối tượng cận nghèo đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT, một số địa phương còn hỗ trợ 100%. “Hiện đối tượng cận nghèo khi đi khám bệnh chỉ còn phải cùng chi trả 5% thay vì 20% như trước nên mức độ tác động không nhiều” - ông Liên nhận định.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có điều chỉnh này nhưng mức độ tác động không nhiều vì có một số dịch vụ trước kia người bệnh phải tự trả thêm thì nay được cộng vào viện phí. Hơn nữa, với những người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán số tiền bằng tối đa 6 tháng lương cơ sở.
Bình luận (0)