Lo ngại viện phí tăng cao
Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, chính sách viện phí mới được xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ, công khai chi phí KCB; Nhà nước không bao cấp tràn lan mà hỗ trợ tốt cho đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, thực hiện được chủ trương chuyển dần việc cấp ngân sách cho các cơ sở y tế sang cho đối tượng trực tiếp thụ hưởng.
Mức viện phí mới theo dự thảo sẽ cao hơn nhiều so với hiện tại, do đó mức đóng BHYT sẽ điều chỉnh từ 3% lên 4% - 5% lương cơ bản |
Điểm gây nhiều băn khoăn nhất trong dự thảo chính là việc tính và thu các chi phí về tiền lương vào viện phí. Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ phó Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến Trung ương được tính tới 100% chi phí lương vào viện phí, tuyến tỉnh là 50%-100%, tuyến huyện là 20%-50%, còn tuyến xã và các cơ sở y tế chuyên khoa thì vẫn được ngân sách Nhà nước chi trả tiền lương cho cán bộ y tế.
Ngoài ra, những cơ sở y tế có điều kiện có thể được phép thu thêm tối đa 50% chi phí tiền lương để tạo quỹ, chi trả thu nhập cho các chuyên gia, thầy thuốc giỏi.
Tuy nhiên, nếu tính thêm chi phí tiền lương và thu đủ những khoản chi khác có thể khiến viện phí cao hơn rất nhiều so với hiện tại. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Huỳnh Đảm lo ngại, với mức viện phí mới chắc chắn Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ không có đủ tiền chi trả cho bệnh viện. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuyên cho biết mức đóng BHYT sẽ được điều chỉnh từ 3% lên 4%-5% lương cơ bản.
Còn mất công bằng
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho rằng, y tế công bằng nghĩa là phải bảo đảm khả năng chữa bệnh cho mọi người, chứ không phải theo kiểu y tế tư, có tiền thì chữa, không có tiền thì thôi. Không được phép chữa bệnh theo kiểu tiền có đến đâu, chữa đến đấy; đau hai chân, chỉ chữa một chân vì không có tiền!
Để làm được như vậy, phải bảo đảm ngân sách, mà nguồn từ đâu thì Chính phủ phải có trách nhiệm lo cho đủ. Ông Nguyễn Khánh cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nguồn ngân sách chi cho y tế phải đạt 50% tổng chi của toàn xã hội cho KCB. Nếu tỉ trọng này thấp hơn 50% là mất công bằng. Tại VN, tỉ trọng này hiện chỉ đạt 30%, tức là cực kỳ mất công bằng...
Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về quy định KCB cho trẻ em từ 6-16 tuổi. Theo dự thảo, trẻ từ 6-16 tuổi chưa có thẻ BHYT nhưng bị bệnh nặng hoặc có chi phí lớn và gia đình không có khả năng nộp viện phí được xem xét giảm viện phí một phần; thủ trưởng cơ sở KCB căn cứ tình hình thực tế của người bệnh và khả năng ngân sách của đơn vị để xem xét quyết định mức giảm nộp cho từng trường hợp.
Các đại biểu cho rằng những quy định này rất chung chung, mơ hồ thì việc miễn giảm viện phí không còn là trách nhiệm nữa, mà có thể chỉ được thực hiện theo kiểu... hảo tâm!
Dự thảo nên có điều khoản quy định về BHYT bắt buộc toàn dân, chi trả cho cả bệnh viện công và tư đều qua bảo hiểm. Như vậy giữa người bệnh và bác sĩ không có mối giao tiếp bằng tiền nên hạn chế được tiêu cực trong khám chữa bệnh. (Ông Trần Hữu Thăng, Phó Chủ tịch Tổng hội Y dược học VN) |
Bình luận (0)