Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 5-8, nhiều phóng viên nước ngoài nêu câu hỏi về lượng vắc-xin các nước viện trợ cho Việt Nam nhiều - ít khác nhau, về ngoại giao vắc-xin của các nước lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp với nhiều biến chủng nguy hiểm trên thế giới và ngay tại trong khu vực của chúng ta, việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nguồn lực, vắc-xin và quy trình sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển là hết sức cần thiết và góp phần quan trọng vào việc phòng, chống đại dịch trên phạm vi toàn cầu.
"Mọi sự giúp đỡ của các nước, đối tác và cộng đồng quốc tế trong công cuộc phòng chống đại dịch này đều đáng quý và đáng trân trọng. Việt Nam cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các đối tác và các tổ chức quốc tế trong cuộc đấu tranh phòng chống lại đại dịch Covid-19"- bà Hằng nhấn mạnh.
Hãng thông tấn Central News Agency nêu câu hỏi ngoài 500.000 liều vắc-xin mà Trung Quốc đã tặng Việt Nam trước đây, hai nước Việt Nam - Trung Quốc có còn đang tiếp tục thảo luận về việc Trung Quốc sẽ tặng vắc-xin cho Việt Nam để đối phó tình hình dịch Covid-19 hiện nay hay không?
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết để đa dạng hóa nguồn vắc-xin, hướng tới mục tiêu đủ số lượng vắc-xin cần thiết cho tiêm chủng, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các nước, các đối tác, các nhà sản xuất và cung ứng vắc-xin trên thế giới trong đó có Trung Quốc.
Phóng viên đề nghị bình luận về việc Nhà Trắng công bố số liệu cho thấy Việt Nam đứng trong top 7 nước nhận hỗ trợ vắc-xin nhiều nhất từ Mỹ.
Người phát ngôn cho biết đến nay, Việt Nam đã nhận khoảng 18 triệu liều vắc-xin chống Covid-19 từ nhiều nước, đối tác và các tổ chức quốc tế.
"Trong bối cảnh khan hiếm vắc-xin như hiện nay, cũng như nhu cầu về vắc-xin rất cao ở nhiều nước trong đó có Việt Nam, chúng tôi trân trọng mọi sự hỗ trợ, đóng góp dù là nhỏ nhất. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các đối tác và tổ chức quốc tế để tăng cường tiêm chủng trong nước, hướng tới miễn dịch cộng đồng"- bà Hằng nhấn mạnh thêm một lần nữa.
Hộ chiếu vắc-xin
Về vấn đề "hộ chiếu vắc-xin", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết ngày 4-8-2021, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn một số nội dung về cách ly y tế đối với người được phép nhập cảnh Việt Nam đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong đó quy định thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo đối với người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đã tiêm chủng đủ liều vắc-xin phòng chống Covid-19 hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 và có giấy xác nhận khỏi bệnh. Giấy chứng nhận tiêm chủng vắc-xin hoặc giấy chứng nhận khỏi bệnh phải được công nhận và cho phép sử dụng tại Việt Nam.
Các quy định về việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 và các giấy tờ cần thiết khác đang được Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao tích cực phối hợp xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh, cách ly phù hợp với thực tế trong nước, các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Xin lưu ý, hướng dẫn này không áp dụng đối với trường hợp nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh, cách ly khác theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và của Bộ Y tế.
Bình luận (0)