Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 26-5, cả nước đã có 6.086 ca mắc Covid-19, trong đó 4.597 ca ghi nhận trong nước và 1.489 ca nhập cảnh. Riêng số ca mắc từ đầu đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4) đến nay là 3.234 ca, trong đó có 3.029 ca trong nước và 207 ca nhập cảnh. Số ca lây nhiễm trong nước ở đợt dịch lần này cao hơn cả 3 đợt dịch trước cộng lại.
Cùng lúc lây cho nhiều người
Trong suốt 13 ngày qua, số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam luôn duy trì với 3 con số. Cao điểm là ngày 25-5, nước ta phát hiện tới 444 ca mắc Covid-19 trong nước. Điểm nóng nhất của đợt dịch này là xuất hiện các ổ dịch ở một số khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Bắc Giang, với tỉ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính với SAR-CoV-2 có thời điểm lên đến gần 40%. Tại Nhà máy Hosiden (KCN Quang Châu, huyện Việt Yên), số lượng F1 chuyển thành F0 lên tới 55%.
Chuyên gia y tế khuyến cáo ở những nơi tập trung đông người cần tắt máy lạnh, mở cửa để không khí lưu thông và người dân cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K (Ảnh: NGÔ NHUNG)
Đáng chú ý, trong đợt dịch thứ tư này, kết quả giải trình tự gien các mẫu bệnh phẩm từ người đã mắc Covid-19 do các địa phương gửi về để xác định biến thể của virus SARS-CoV-2 do Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương thực hiện cho thấy bệnh nhân ở các tỉnh, thành hầu hết đều nhiễm chủng Ấn Độ B.1.617.2. Chủng virus mới này được cho là có những biến thể làm lây lan nhanh hơn (đặc tính của biến chủng biến thể Anh) và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vắc-xin (đặc tính của chủng virus Nam Phi) nên được gọi là chủng biến thể kép.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định chủng SARS-CoV-2 mới lây lan rất nhanh, rất mạnh và có khả năng nhân lên, phát tán mầm bệnh trong không khí. Theo bộ trưởng, đợt dịch lần này không còn theo chuỗi lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp như trước kia, thay vào đó xuất hiện thêm lây nhiễm trong không khí do virus phát tán trong không gian kín, hẹp, một người có thể cùng lúc lây cho nhiều người. Các ổ dịch lớn hiện tại hầu hết đều nhiễm biến chủng Ấn Độ với đột biến kép, tăng khả năng lây nhiễm nhanh gấp nhiều lần. "Trước đây chủng của Anh lây nhanh gấp 1,7 lần so với chủng cũ thì chủng Ấn Độ còn lây nhiễm mạnh hơn chủng Anh. Với các chủng virus cũ, khi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm phải mất 3-4 ngày mới mọc nhưng theo các chuyên gia về xét nghiệm, chủng lần này ngày thứ 2 đã mọc rất nhiều" - Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế, cũng bày tỏ lo ngại tốc độ lây lan nhanh của biến chủng mới. Nhiều trường hợp chỉ qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Chu kỳ lây nhiễm của đợt dịch xảy ra tại TP Đà Nẵng đợt tháng 7-2020 là 5-7 ngày thì đợt dịch này chỉ 2-3 ngày. Thậm chí có người sau khi tiếp xúc với mầm bệnh khoảng 36 giờ đã dương tính, có trường hợp lây cho người khác sau 2 ngày bị phơi nhiễm.
Tắt máy lạnh, mở cửa, bật quạt để "đuổi" virus
Theo các chuyên gia dịch tễ, virus SARS-CoV-2 biến đổi không ngừng, đến nay đã xác định được hơn 4.000 biến thể. Tại Việt Nam đã ghi nhận 7 biến chủng của SARS-CoV-2, trong đó biến thể mới của Ấn Độ đang là nguyên nhân gây dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Biến thể mới của Ấn Độ có tăng độc lực hay không, đến nay chưa có dữ liệu rõ ràng nhưng có thể thấy rõ trong đợt dịch thứ 4 này tại nước ta là virus lây lan rất nhanh trong không khí. Đã có nhiều chùm ca bệnh với hàng chục ca mắc được ghi nhận ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng… có liên quan đến biến thể này. "Yếu tố không khí được hiểu ở đây là lây trong không khí ở môi trường kín, có bật máy điều hòa (máy lạnh), không mở cửa thông thoáng khí như: các công xưởng kín, phòng karaoke, quán bar, cơ sở massage hay trong các tòa nhà kín bật điều hòa liên tục… Điều này có thể thấy qua ổ dịch trong các KCN ở Bắc Giang hay chùm ca bệnh ở Vĩnh Phúc và gần đây nhất là chùm ca bệnh liên quan đến Công T& T ở Hà Nội" - một chuyên gia giải thích.
Theo GS-TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, do đặc tính lây lan nhanh trong không khí, nhất là môi trường kín nên các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, cơ sở cách ly tập trung phải tắt máy lạnh, mở cửa, dùng quạt máy trong phòng bệnh để không khí lưu thông, tránh lây chéo và hạn chế việc virus tồn tại.
Vẫn nên thực hiện 5 K
GS Kính lưu ý thêm cho đến nay, việc thực hiện nguyên tắc 5K và tiêm vắc-xin là giải pháp căn bản, hiệu quả nhất để phòng chống dịch Covid-19. Bởi lẽ, có thể còn những ổ bệnh đang lẩn khuất trong cộng đồng, chưa diệt được hẳn nên việc thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh và cắt đứt chuỗi lây nhiễm. "Cho dù virus SARS-CoV-2 biến đổi thì "5K + vắc-xin" vẫn còn nguyên tác dụng. Thậm chí, kể cả đã tiêm vắc-xin rồi, người dân vẫn cần tuân thủ nguyên tắc 5K, trong đó có việc đeo khẩu trang đúng cách như Bộ Y tế khuyến cáo" - GS Kính nhấn mạnh.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!