xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vô sinh, hiếm muộn không còn là “bệnh” khó chữa

Bài và ảnh: Khánh Anh

Ở tuần thai 36, thai phụ Triệu Thị L. đang chuẩn bị các thủ tục để sinh hạ hai cô công chúa. Hai bé hiện đã nặng hơn 2,2 kg, phát triển khỏe mạnh và là trái ngọt của cặp vợ chồng dân tộc Dao đỏ sau 9 năm kiếm tìm.

Hạnh phúc của cặp vợ chồng người Dao 9 năm hiếm muộn

9 năm chạy chữa hiếm muộn là một hành trình dài của cặp vợ chồng chị Triệu Thị L. dân tộc Dao đỏ quê ở Yên Bái. Bốn năm sau ngày cưới (2014), L. lần đầu tiên cảm nhận được niềm hạnh phúc khi có thai sau một hành trình dài chạy chữa. Tuy nhiên, số phận trêu đùa khi thai không giữ được. Dù khát khao có con song gia đình không đủ chi trả cho các chi phí thụ tinh ống nghiệm. Do vậy, cứu cánh duy nhất của đôi vợ chồng trẻ khi đó là tìm tới các bài thuốc dân gian từ Nam ra Bắc nhưng dù nỗ lực thế nào, tương lai của họ vẫn mù mịt. Năm 2016, lần đầu tiên đôi vợ chồng trẻ mạnh dạn xuống Hà Nội, tìm đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội để mong cơ hội có con. Lúc này, L. mới biết bản thân mình là nguyên nhân chính không thể có con được. "Chồng em khỏe mạnh, em bị tắc vòi trứng. Lấy nhau được 7 năm, em thương chồng không muốn cố nữa nhưng khi đó chồng lại động viên và nói cả hai cùng cố gắng. Hai vợ chồng em đã nhận một bé gái về làm con nuôi nhưng vẫn ấp ủ ước mơ có một đứa con của riêng mình"- L. tâm sự.

Vô sinh, hiếm muộn không còn là “bệnh” khó chữa - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền chia sẻ niềm hạnh phúc với thai phụ Triệu Thị L. sau hành trình 9 năm tìm kiếm những đứa con

Cũng từ đó L.và chồng là Triệu Văn S. đã lên kế hoạch 10 năm tiếp theo, mỗi năm cố gắng dành dụm được 10 triệu đồng để có đủ số tiền cho một lần làm thụ tinh trong ống nghiệm. Mỗi ngày, hai vợ chồng đều cần mẫn trên nương để chắt chiu từng đồng.

Trời không phụ lòng người, số phận đã mỉm cười với cặp vợ chồng dân tộc Dao khi năm 2019, L. cùng 9 cặp vợ chồng khác được nhận suất hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí bởi Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Sau khi hồ sơ được thông qua, L. quyết định thực hiện ngay quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Chuyển phôi chỉ mới sáu ngày, hai vợ chồng đã hồi hộp thử thai thấy hai vạch. "Lần thứ hai nhìn thấy mình có hai vạch, thật sự là hạnh phúc quá lớn đối với vợ chồng em"- cô kể.

Thuận lợi ban đầu song hành trình mang thai của Liên lại không hề đơn giản. 17 ngày sau chuyển phôi, L. nghén nặng, nôn ra máu, không uống được cả một giọt nước. Có thời điểm, cô phải thở ô-xy. Suốt thời gian bầu bí, cô phải đến bệnh viện để truyền dịch, tiêm thuốc giảm nghén nhưng bệnh đỡ, về nhà cô lại bị nôn ra máu và quay lại viện nằm 2-3 tuần. Bị cường giáp do thai nghén, phải điều trị, sụt tới 15 cân trong suốt quá trình mang thai nhưng L. vẫn cố gắng hết sức để thai nhi được khoẻ mạnh.

Ở tuần thai 36, Liên đang chuẩn bị các thủ tục để sinh hạ hai con gái. "Hai bé đã nặng hơn 2,2 kg và dù mẹ nghén sụt ký nhưng con phát triển vẫn rất khỏe mạnh"- cô hạnh phúc nói.

Thêm cơ hội cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết đây chỉ là 1 trong số 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho 10 cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn mà bệnh viện triển khai thực hiện trong năm 2019. Với trường hợp sản phụ Triệu Thị L., bác sĩ Hiền cho biết không khó để can thiệp về y học, nhưng là trường hợp rất khó khăn về kinh tế, nếu không hỗ trợ, bạn ấy có thể không đủ chi phí trong suốt quá trình mang thai, bệnh viện phải cân nhắc và hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho L. trong suốt quá trình mang thai và điều trị tại bệnh viện.

Hiện nay, tỉ lệ làm IVF thành công tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đạt khoảng 70% chuyển phôi trữ (đông lạnh) và khoảng 50% chuyển phôi tươi. Bệnh viện đã can thiệp được nhiều ca khó như bố mẹ mang gen bệnh lý như tan máu bẩm sinh, teo cơ tủy, người chồng tinh trùng yếu hoặc dị dạng, không có tinh trùng; sản phụ tắc vòi trứng… Ngoài các kỹ thuật thường quy bệnh viện đã ứng dụng phương pháp nuôi cấy phôi liên tục để lựa chọn phôi phát triển tốt nhất, tăng xác suất có thai ngay lần đầu tiên. Theo bác sĩ Hiền, năm 2020, Bệnh viện tiếp tục hỗ trợ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn với nhiều chính sách hỗ trợ tốt hơn như: giành 5.000 suất khám miễn phí và hỗ trợ 5 triệu đồng làm IVF; tiếp tục duy trì hỗ trợ 10 cặp miễn phí làm IVF...

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tỉ lệ vô sinh chiếm khoảng 6%-12%, trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỉ lệ cao nhất. Kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế cũng chỉ ra tỉ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam tới 7,7%, tức là cả nước hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Nhưng đáng báo động là tỉ lệ vô sinh đang bị trẻ hóa với khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh dưới 30 tuổi. Mỗi ngày, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nam Học và Hiếm muộn Hà Nội và một số cơ sở điều trị hiếm muộn vẫn có hàng trăm cặp vợ chồng tới tư vấn, điều trị với mong muốn hạnh phúc sẽ sớm mỉm cười.

Theo thống kê, vô sinh do vợ chiếm khoảng 40%, do chồng chiếm 40%, khoảng 10% do cả 2 vợ chồng và 10% không tìm thấy nguyên nhân. Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, cho biết hiếm muộn được định nghĩa là tình trạng 2 vợ chồng quan hệ tình dục thường xuyên trong vòng 1 năm vẫn chưa có em bé. Để bảo đảm sức khỏe sinh sản được tốt, đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ nên có một cuộc sống lành mạnh, không nên quan hệ tình dục bừa bãi. Không sử dụng các chất kích thích để giữ gìn sức khỏe, cần phải cân đối các chế độ sinh hoạt giữa làm việc và nghỉ ngơi.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo