Các nhà khoa học tại Đại học Birmingham và Bệnh viện phụ sản Birmingham ở Anh đã so sánh việc sử dụng các phương pháp điều trị truyền thống như thuốc viên chứa axit tranexamic, axit mefenamic (Ponstel), prosgesterone hoặc phương pháp kết hợp progesterone và estrogen với việc sử dụng vòng tránh thai chứa hormone levonorgestrel.
Nghiên cứu được tiến hành ở 600 phụ nữ bị rong kinh có hoặc không dùng vòng tránh thai. Tiêu chí đánh giá dựa trên thang điểm từ 0 đến 100 nhằm đo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh. Điểm số càng thấp thì mức độ nghiêm trọng càng cao.
Kết quả cho thấy ở những phụ nữ sử dụng vòng tránh thai, hiện tượng rong kinh được cải thiện đáng kể so với những người dùng các biện pháp khác, chất lượng cuộc sống của họ cũng được cải thiện hơn.
Sự phóng thích hormone levonorgestrel từ vòng tránh thai sẽ có tác dụng tại chỗ, làm giảm sự tăng sản của lớp nội mạc tử cung trong vòng 3-6 tháng đầu sử dụng. Điều này có tác dụng làm giảm lượng máu và số ngày hành kinh một cách đáng kể. Tuy nhiên, cũng như những biện pháp khác, tác dụng phụ của việc sử dụng vòng tránh thai này là chu kỳ kinh nguyệt thường không đều cho đến 6 tháng sau.
Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Janesh Gupta nói: “Nếu phụ nữ bị rong kinh và không muốn có thai thì vòng tránh thai có chứa levonorgestrel là lựa chọn ưu tiên hàng đầu”.
Bình luận (0)