Hai nhân viên BV tâm thần Trung ương 1 bị tạm giam về hành vi gian lận hồ sơ bệnh án tâm thần
Chiều 13-8, trong phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời chất vấn về các giải pháp xử lý đường dây làm giả bệnh án tâm thần cho các đối tượng phạm tội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết trước dư luận về hành vi làm giả hồ sơ đối tượng tâm thần để trốn tránh pháp luật, cơ quan cảnh sát sát điều tra đã phối hợp với cơ quan y tế để làm rõ thủ đoạn hoạt động này.
Đối với nhân viên y tế tiếp tay cho hành vi này sẽ xử lý nghiêm trước pháp luật. "Với những đối tượng tìm cách gian lận, khi gây án thì bình thường, nhưng khi truy tố, xét xử lại đưa ra giả hồ sơ người tâm thần, chắc chắn sẽ bị xử lý, không chấp nhận hồ sơ đó. Bộ Công an sẽ phối hợp với ngành y tế, bệnh viện, trung tâm giám định tâm thần để làm tốt, không để kẽ hở"- Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Trao đổi với phóng viên ngày 13-8, bác sĩ Nguyễn Hữu Chiến, Phó Gián đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương 1, cho biết trong số 94 hồ sơ bệnh án tâm thần nghi ngờ làm giả mạo, cơ quan CSĐT yêu cầu BV rà soát và cung cấp các bản bệnh án photocopy để cơ quan công an nghiên cứu.
Theo ông Chiến, BV hiện đã rà soát, hồi cứu được 66 hồ sơ bệnh án. Những hồ sơ này của các bệnh nhân điều trị từ năm 2016 đến nay. Đa số là bệnh án của bệnh nhân đã nằm viện và đang nằm viện, trong đó có nhiều trường hợp là bệnh nhân cai nghiện ma tuý, ngáo đá, có chỉ định điều trị về sức khoẻ tâm thần. Có trường hợp từng xuất viện, nhập viện nhiều lần và đều có bệnh án lưu.
Lãnh đạo BV Tâm thần Trung ương 1 cho biết đang rà soát 94 hồ sơ cơ quan công an nghi ngờ
Cũng theo ông Chiến, sau khi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt giam 2 bị can là bác sĩ Thân Thái Phong và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên Khoa Dinh dưỡng của BV do tiếp tay lập bệnh án giả, giúp đối tượng vi phạm pháp luật trốn án, đã ít nhiều gây ra tâm lý lo lắng cho nhân viên y tế.
"Không ít người lo ngại có thể chẳng may chính bản nhân viên y tế cũng là nạn nhân của những "chiêu trò" giả bệnh qua mặt bác sĩ, trong khi đó những thăm dò cận lâm sàng như chụp chiếu, điện não đồ không có ý nghĩa gì trong việc phát hiện bệnh tâm thần, nhất là khi đối tượng và gia đình cố tình cung cấp thông tin giả mạo"- bác sĩ Chiến nói.
Ông Chiến cũng cho biết hiện BV chưa tiếp cận được hồ sơ bị làm giả bởi cơ quan công an đã thu giữ để phục vụ công tác điều tra, do đó BV không biết kẽ hở ở khâu nào mà hồ sơ có thể bị làm giả.
Trao đổi với phóng viên, ông La Đức Cương, nguyên Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1, cho biết theo quy định, hồ sơ bệnh án phải có chữ ký của lãnh đạo bệnh viện, nhưng lãnh đạo không thể biết được bác sĩ có làm khống hồ sơ không. Nếu các y, bác sĩ câu kết với nhau để làm khống hồ sơ bệnh án như vụ việc được phát hiện mới đây thì lãnh đạo bệnh viện khó có thể biết được.
"Người đứng đầu BV có trách nhiệm ban hành văn bản, tăng cường kiểm tra giám sát định kỳ. Việc giám đốc kí vào bệnh án không phải để chịu trách nhiệm về bệnh nhân mà là để xác nhận bệnh án của bệnh viện, xác nhận bác sĩ này của bệnh viện, chứ không phải chịu nội dung bệnh án đó, vì lãnh đạo bệnh viện có trực tiếp điều trị bệnh nhân đâu mà chịu trách nhiệm về bệnh nhân"- ông Cương trần tình.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt bị can tạm giam phục vụ điều tra với 2 viên chức của BV Tâm thần Trung ương 1 là bác sĩ Thân Thái Phong, Phó Trưởng Khoa tâm thần người cao tuổi; ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng, Khoa Dinh dưỡng. Cùng đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đề nghị BV Tâm thần Trung ương 1 cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại BV.
Bình luận (0)