Lâu nay, y tế tuyến cơ sở, nhất là các trạm y tế, chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện chức năng đơn giản như tiêm chủng miễn phí, tổ chức uống vitamin... Ngành y tế TP HCM đang triển khai những nhiệm vụ mới nhằm nâng chất hệ thống này.
Trạm y tế chạy thận nhân tạo
Nổi bật trong nỗ lực này là việc ra mắt một phòng khám đa chuyên khoa đầu tiên của cả nước, đặt tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM. Đây là một trong những mô hình bệnh viện (BV) vệ tinh được Sở Y tế TP HCM triển khai trong thời gian qua nhằm giảm tải cho các BV tuyến trên.
Trạm y tế này có đầy đủ các chuyên khoa từ nội khoa đến ngoại khoa như: mắt, tai mũi họng, nhi, sản, da liễu, cấp cứu, y học cổ truyền - phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, xét nghiệm, phòng khám lao, phòng khám bác sĩ gia đình... Đặc biệt, trạm y tế này còn có thêm nhiệm vụ lọc thận nhân tạo. Ngoài ra, đây cũng là một điểm chốt cấp cứu vệ tinh 115 của BV quận Thủ Đức.
Chạy thận nhân tạo tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM
BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, cho biết sau khi khảo sát toàn quận, phường Bình Chiểu được chọn làm thí điểm xây dựng trạm y tế đa chuyên khoa vì nơi đây có nhiều khu công nghiệp, dân cư đông đúc nhưng việc đi lại khám chữa bệnh và cấp cứu khó khăn. Hiện phường Bình Chiểu đã được bố trí 11 bác sĩ và nhiều điều dưỡng, kỹ thuật viên. Đặc biệt, việc triển khai lọc thận nhân tạo tại trạm y tế đã góp phần giảm chi phí đi lại cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo. Người bệnh tham gia BHYT sẽ được thanh toán chi phí lọc thận nhân tạo theo đúng quy định.
Theo Sở Y tế TP HCM, thách thức hiện nay là số người bệnh có chỉ định lọc thận đã vượt quá khả năng cung ứng dịch vụ kỹ thuật lọc thận tại các BV tuyến quận, huyện và cả tuyến TP. Hầu như tất cả BV đa khoa đều đã tăng ca lọc thận trong ngày (4 đến 5 ca), kể cả ngày nghỉ nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu. Ngoài kế hoạch đặt máy chạy thận tại các trạm y tế phường khác trên địa bàn quận Thủ Đức, tới đây, Sở Y tế TP sẽ triển khai trên khắp các quận, huyện khác để đáp ứng nhu cầu người dân.
TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đánh giá trạm y tế đa khoa là mô hình lần đầu tiên có mặt trên cả nước, tạo thuận lợi cho người dân đến khám chữa bệnh, giảm chi phí đi lại, giảm chi phí điều trị và thời gian chờ đợi… Sắp tới, BV quận Thủ Đức sẽ mở rộng mô hình này tại các trạm y tế khác trong quận, Sở Y tế TP sẽ đánh giá hiệu quả và triển khai tại 23 quận, huyện còn lại.
Vượt tuyến vì sự an tâm
Nỗ lực "biến" trạm y tế thành nơi khám chữa bệnh khang trang cho người dân cũng được đánh giá cao. Đó là Trạm Y tế phường 16 (quận 4) và Trạm Y tế phường 11 (quận 3). Hai trạm y tế quy mô cấp phường này được đầu tư xã hội hóa thành phòng khám đa khoa. Trong khi Trạm Y tế phường 16 vẫn khó khăn với những thiết bị y tế cũ thì Trạm Y tế phường 11 đã sớm trang bị những phương tiện khám chữa bệnh hiện đại, có đội ngũ y - bác sĩ uy tín, chất lượng cao từ các BV lớn; nhiệt tình, chu đáo với bệnh nhân.
Ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Y tế Việt Anh, chủ đầu tư phòng khám ở Trạm Y tế phường 11 (quận 3), cho biết theo thống kê, có khoảng 80% bệnh nhân muốn chữa bệnh ở tuyến trên vì sự an tâm chứ không phải vì bệnh nặng trong khi nhiều trạm y tế ở TP không hiệu quả. Từ đó, nhóm các nhà đầu tư ngồi lại nghiên cứu và quyết tâm xây dựng, đầu tư vào phòng khám phường. Nhà đầu tư mong muốn đây là mô hình kết hợp giữa trạm y tế phường với phòng khám đa khoa và là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.
GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết hiện trên địa bàn TP có 319 trạm y tế xã, phường. Thời gian qua, dù đã được quan tâm đầu tư nhưng các trạm y tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Để nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, TP đã triển khai dự án xã hội hóa trạm y tế phường, xã, trong đó đơn vị thí điểm đầu tiên là Trạm Y tế phường 11, quận 3.
Trong số khoảng 20 nhà đầu tư được mời gọi, Công ty CP Y tế Việt Anh đã đầu tư vào Trạm Y tế phường 11 (quận 3) theo mô hình xã hội hóa. Theo đó, vẫn giữ nguyên chức năng nhiệm vụ của một trạm y tế như tiêm chủng, phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, khám chữa bệnh cho các gia đình thuộc diện chính sách; đồng thời có thêm các dịch vụ phục vụ công tác khám chữa bệnh ban đầu theo mô hình phòng khám đa khoa hiện đại.
Ông Phan Quốc Việt khẳng định công ty đầu tư vào trạm y tế theo mô hình xã hội hóa với mục đích phi lợi nhuận. Nguồn lợi nhuận thu được sẽ dành cho tái đầu tư vào các trạm y tế khác để hình thành các chuỗi trạm y tế theo mô hình này. Sau Trạm Y tế phường 11 (quận 3), công ty có ý định nhân rộng mô hình xã hội hóa tại trạm y tế của quận 1, quận 2, quận 3, Phú Nhuận, Nhà Bè…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện cả nước có khoảng hơn 12.000 trạm y tế, trong đó 50% cần được nâng cấp, xây mới. Nếu không được đầu tư tốt, người dân sẽ bỏ y tế tuyến cơ sở để lên tuyến trên khám chữa bệnh, gây quá tải cho tuyến trên.
Mô hình mới cần cổ vũ
Trong lần thị sát hoạt động trạm y tế phường tại TP HCM mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định xã hội hóa trạm y tế là mô hình mới nên cần có sự cổ vũ. Bộ Y tế, UBND TP HCM cần quyết liệt củng cố hệ thống y tế cơ sở, từ đó góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên. Việc xã hội hóa cần thực hiện đúng với chức năng, nhiệm vụ quy định, bảo đảm cho mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe và tạo sự an tâm cho người dân khi khám chữa bệnh tại trạm y tế.
Bình luận (0)