Khó để bỏ qua những trận cầu đầy hấp lực của Euro 2012 nhưng các bác sĩ khuyến cáo đó không phải là sân chơi hay thú vui an toàn đối với các bệnh nhân tim mạch.
Đột tử trong trận đấu
Tại World Cup năm 2006, những ca tử vong liên quan tới tim mạch đã khiến các thầy thuốc cũng phải... đứng tim. Thậm chí giới y học còn đặt tên cho các trường hợp đột tử này bằng một cái tên ăn theo là “Hội chứng World Cup”.
Đồng hội đồng thuyền với bệnh tim mạch là huyết áp cao, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Với những người quá hâm mộ bóng đá, nếu chẳng may mắc bệnh tim mạch thì thầy thuốc khuyên là chỉ nên thưởng thức một cách chừng mực.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Bác sĩ Stephanie Patrick (Mỹ), người đã bỏ nhiều năm nghiên cứu về các trường hợp đột tử do xem bóng đá, cho rằng những bệnh nhân tim mạch không nên xem các trận mang tính chất “sống còn” mà cứ vô tư theo kiểu ai thắng cũng được mà ai thua cũng chẳng hề hấn gì. Bởi nếu theo dõi những trận đấu nghẹt thở có “đội nhà” thi đấu mà chẳng may bị thua thì trái tim của những bệnh nhân này sẽ dễ bị “thần chết” sút sang thế giới bên kia.
Còn đối với những bệnh nhân cao huyết áp, các thầy thuốc khuyến cáohọ nên giới hạn xem những trận đấu quan trọng. Bởi sau khi xem một trận cầu quan trọng thì tần suất rủi ro cho trái tim tăng gấp đôi; thêm nữa, khi giải đấu càng vào vòng trong thì khả năng tử vong càng đáng báo động.
Tắt tivi khi trận đấu căng thẳng
Không chỉ những quả sút phạt 11 m mới làm bệnh nhân tim mạch gặp nạn mà tình trạng thức khuya dai dẳng, nhiều ngày cũng sẽ càng làm cho quả tim bình thường vốn khỏe mạnh, nay cũng dễ tổn thương hơn.
Do đó, cần đặc biệt lưu tâm đến chế độ dinh dưỡng. Những loại thức ăn lý tưởng nhất là rau cải xanh (xà lách, bắp cải, rau tươi...), cà rốt, bí đỏ, trái cây tươi (dâu, táo, lê, nho, bưởi), các loại hạt (đậu phộng, hạt điều)... Ngoài ra, những tín đồ bóng đá chẳng may dính đến bệnh tim thì cần tránh hoặc hạn chế dùng các thực phẩm như: thịt đỏ, rượu bia, khoai tây chiên, thức ăn có nhiều đường hoặc nhiều muối, không dùng cà phê và thuốc lá.
Giải pháp tốt nhất để tránh tình trạng ngưng tim khi xem sút phạt 11 m là... tắt ti vi và đi vào giường ngủ ngay lập tức. Nghe thật vô lý nhưng sáng mai đọc báo, bạn vẫn có thể biết hết kết quả. Dù rằng đối với người hâm mộ bóng đá, nhịp bóng lăn cũng có ý nghĩa như nhịp đập trái tim nhưng chắc chắn một điều rằng trái tim mình dĩ nhiên phải quý giá và đáng nâng niu hơn trái bóng.
Lên cơn đau tim ở cú phạt đền Khi các giải bóng đá lớn như World Cup, Euro... càng tiến vào vòng trong, sự ăn thua đôi khi phải giải quyết ở chấm phạt đền. Đây cũng là thời điểm rất nhiều bệnh nhân tim mạch có lắm nguy cơ gục ngã. Có rất nhiều bệnh nhân tim mạch không dám theo dõi thời khắc “chết người” này. Thật ra, mối lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở. Các nhà khoa học Anh đã tìm ra bằng chứng y học rằng những quả penalty có thể gây đứng tim đối với những người bệnh tim mạch. Chuyên san y học British Medical Journal đã đăng nghiên cứu của các nhà khoa học Anh tại World Cup 1998, theo đó, tỉ lệ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim tăng tới 25% khi đội Anh bị đội Argentina loại bằng những cú đá phạt 11 m. Một số nhà nghiên cứu về tim mạch còn lớn tiếng yêu cầu FIFA hủy bỏ hình thức đá phạt này. |
Bình luận (0)