Vào tháng 7-2022, WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, gây quan ngại quốc tế.
WHO lúc đó mô tả đây là "một sự kiện bất thường, kéo theo nguy cơ sức khỏe cộng đồng thông qua sự lây lan dịch bệnh trên phạm vi quốc tế" và "có khả năng cần một sự phối hợp phản ứng quốc tế".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Global News
Các quốc gia đều tuân thủ khuyến nghị của WHO nhằm quản lý tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài ra, mỗi quốc gia lại ban hành tuyên bố về tình trạng khẩn cấp riêng, sắp xếp nguồn lực và thực thi quy định để giảm trừ khủng hoảng.
Theo đài CNN, sau một cuộc họp tuần này, ủy ban khẩn cấp của WHO về bệnh đậu mùa khỉ khuyến nghị chấm dứt tình trạng khẩn cấp. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đồng ý với đánh giá của uỷ ban.
Từ tháng 1-2022 đến tháng 4-2023, WHO nhận được báo cáo từ 111 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho thấy hơn 87.000 trường hợp được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 140 trường hợp tử vong. Riêng Mỹ báo cáo hơn 30.000 ca nhiễm.
Trên toàn cầu, các ca bệnh đậu mùa khỉ giảm trong nhiều tháng qua, đặc biệt là khi nhận thức của người dân tăng lên và vắc-xin được phổ biến rộng rãi hơn.
Đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu của các vùng ở Tây và Trung Phi, thường liên quan tới các loài gặm nhấm hoặc động vật có vú nhỏ.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể, vết loét hoặc các vật dụng như quần áo và giường chiếu bị nhiễm virus hoặc lây lan từ người này sang người khác qua các giọt hô hấp.
Bình luận (0)