Theo báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 9-3 (giờ Việt Nam), trong 28 ngày qua có hơn 4,474 triệu ca mắc mới và 31.926 ca tử vong mới do COVID-19.
Sau nhiều tháng đứng đầu bảng về số ca mắc mới do các làn sóng mạnh mẽ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc..., khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương (một phần châu Úc và châu Á ven Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam) đã xuống hàng thứ 3 trong tuần với gần 1,427 triệu ca mắc mới và 7.274 ca tử vong mới do COVID-19, giảm lần lượt 80% và 86% so với chu kỳ 28 ngày trước đó.
Bản đồ thể hiện sự thay đổi tỉ lệ ca mắc mới với màu xanh dương thể hiện tỉ lệ giảm thấp nhất, trong khi màu đỏ thể hiện sự gia tăng lớn nhất - Ảnh: WHO
Việt Nam được thể hiện màu xanh dương đậm trong bản đồ thể hiện sự thay đổi tỉ lệ số ca mắc mới, cho thấy số ca tiếp tục giảm mạnh. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Úc, New Zealand... cũng là các quốc gia mang cùng sắc màu ở Tây Thái Bình Dương.
Khu vực dịch tễ được WHO xếp thứ nhất lần này là châu Âu, nơi ghi nhận hơn 1,541 triệu ca mắc mới (tăng 12%) và 9.066 ca tử vong mới (giảm 39%). Phần lớn diện tích của châu lục này đang bị WHO '"tô đỏ" trong bản đồ thể hiện sự thay đổi tỉ lệ số ca mắc mới.
Phân tích chi tiết cho thấy có tới 19/61 quốc gia trong khu vực này có mức tăng cao về số ca mắc COVID-19 mới (trên 20%). Các nước có số ca mắc mới cao nhất là Đức (397.505 ca, tăng 23%), Nga (345.384 ca, tăng 103%) và Áo (138.388 ca, tăng 86%).
Khu vực dịch tễ có số ca mắc mới cao thứ hai là châu Mỹ với hơn 1,466 triệu ca (giảm 31%). Đây là khu vực có số tử vong cao nhất thế giới với 15.142 ca (giảm 32%). Hầu hết số ca của châu Mỹ được báo cáo từ Mỹ (hơn 1,027 triệu ca, giảm 23%). Mỹ cũng ghi nhận tới 10.856 ca tử vong vì COVID-19 trong chu kỳ mới, khiến nước này đứng đầu thế giới cả về số mắc lẫn số tử vong.
Ba khu vực dịch tễ còn lại là Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và châu Phi báo cáo số ca không đáng kể.
XBB 1.5 vẫn nổi trội
Biến chủng được cho là lây nhanh nhất thế giới, từng khiến số ca của Mỹ "bùng nổ" vài tuần trước là XBB.1.5 được ghi nhận với tỉ lệ lần lượt là 30,08%, 35,7% và 31,98% trong 3 tuần 5-6-7 của năm 2023, tăng mạnh so với các tuần lễ trước đó. Biến chủng này được cho là nguyên nhân số ca của Mỹ vẫn tiếp tục cao.
Hồi tháng 1, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng nhìn nhận XBB.1.5 đã xuất hiện ở nhiều quốc gia khu vực này và dự báo sẽ đóng góp vào một làn sóng mới chỉ trong vài tháng tới. Có vể dự báo về làn sóng này đã thành hiện thực ở châu lục này.
Tuy xác định khả năng lây lan nhanh, thoát miễn dịch và tạo làn sóng mới của XBB.1.5, WHO vẫn khẳng định không có bằng chứng cho thấy nó thay đổi về độc lực, tức không gây bệnh nặng hơn so với các biến chủng Omicron tiền nhiệm.
Bình luận (0)