Theo SAGE - WHO, vắc-xin COVID-19 hai thành phần, tức thế hệ vắc-xin mới được bổ sung thành phần chống Omicron, chỉ mang lại "lợi ích gia tăng từng phút".
Giải thích cụ thể hơn, thư ký điều hành SAGE Joachim Hombach cho biết các loại vắc-xin COVID-19 thế hệ mới này chứa khả năng trung hòa ở mức độ tương tự vắc-xin cũ đối với chủng tổ tiên và cao hơn một chút đốt với Omciron.
Vắc-xin COVID-19 hai thành phần của Pfizer và Moderna hiện đã được nhiều nước trên thế giới phê duyệt khẩn cấp - Ảnh: REUTERS
"Đó là một hiệu ứng tương đối khiếm tốn mà chúng ta có thể thấy trong phòng thí nghiệm. Những gì chúng tôi không thể làm là liên kết các dữ liệu trong phòng thí nghiệm này với bằng chứng về sự gia tăng khả năng bảo vệ trên lâm sàng. Dữ liệu như vậy vẫn chưa có sẵn" - tờ Medical Xpress dẫn lời tiến sĩ Hombach.
Ông cho biết vì các khuyến nghị từ SAGE và WHO cần phải có bằng chứng thực nghiệm rõ ràng, nên họ không thể đưa ra bất kỳ khuyến nghị ưu tiên nào về vắc-xin thế hệ mới so với các vắc-xin thế hệ cũ.
"Những vắc-xin này hoàn toàn tốt, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là bạn có thực sự tiêm vắc-xin để bảo vệ hay không - cho dù là loại có được điều chỉnh để nhắm vào Omicron hay không. Đây là điều tạo nên sự khác biệt." - người đứng đầu SAGE khuyến cáo.
Theo WHO, hiện tại có 4 vắc-xin mRNA có chứa thành phần tăng cường chống lại Omicron đã được các nước thế giới sử dụng như liều tăng cường cho người đã tiêm đủ các liều cơ bản bằng vắc-xin cũ.
Tuy nhiên lượng vắc-xin hai thành phần trên thị trường thế giới còn khá hạn chế và nhiều nước đã cảnh báo về tâm lý chờ đợi, không tiêm loại cũ mà chờ có loại mới. Điều này được cho là khá nguy hiểm, nhất là đối với một số nước Âu - Mỹ, nơi đang đối phó với thời tiết lạnh dần và mùa đông sắp đến, có thể kéo theo không chỉ COVID-19 mà còn một loạt bệnh hô hấp khác.
Nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca tăng lại vài tuần qua và nhà chức trách lo lắng đợt bùng phát mới sẽ ập tới mà chưa kịp tiêm chủng tăng cường đợt tiếp theo, dẫn tới quá tải y tế.
Vắc-xin COVID-19 thế hệ cũ, theo các nghiên cứu, đã giảm sút khá mạnh khả năng chống lây nhiễm khi đối diện các đột biến thoát miễn dịch của dòng họ biến chủng Omciron, tuy nhiên vẫn ngừa bệnh nặng tốt. Một số nghiên cứu cho thấy người tiêm vắc-xin loại này vẫn an toàn nếu tiêm nhắc lại đều đặn. Thường khả năng bảo vệ của vắc-xin cũ suy giảm sau khoảng 4 tháng.
Nhiều nhà nghiên cứu hy vọng vắc-xin COVID-19 thế hệ mới sẽ giúp việc tiêm ngừa căn bệnh này chỉ cần 1 lần mỗi năm, tương tự tiêm vắc-xin cúm. Tuy nhiên các loại vắc-xin hai thành phần chỉ mới được triển khai thời gian gần với số lượng hạn chế nên tạm thời các cơ quan y tế chưa thể đưa ra bất kỳ đánh giá cụ thể nào.
Bình luận (0)