PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM chia sẻ thông tin trên tại buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế sáng 7-10. Tham dự có đại diện lãnh đạo 25 bệnh viện, các sở ngành liên quan và Bảo hiểm xã hội TP HCM.
Đề nghị thêm chức danh trợ lý điều dưỡng
Tại buổi làm việc, BS Tăng Chí Thượng cũng tha thiết đề nghị trong luật bổ sung thêm trợ lý điều dưỡng. Bởi trên thế giới, điều dưỡng có nhiều hệ, trong đó có trợ lý điều dưỡng. Ngành y tế Việt Nam hiện chỉ có 1 loại hình điều dưỡng, trong khi điều dưỡng phải làm tất cả mọi việc thì rất khó đáp ứng nhu cầu chăm sóc người bệnh toàn diện.
Theo BS Thượng, ngành y tế sau trận dịch COVID-19 vừa rồi chưa kịp phục hồi toàn bộ đã đứng trước nhiều thách thức, nhiều điểm nóng. Điểm nóng thứ nhất là biến động nhân viên y tế công lập chưa có điểm dừng. Do đó, cần sửa luật để có cơ sở pháp lý củng cố lực lượng nhân viên y tế công lập.
"Chúng ta cần làm rõ trong luật khám chữa bệnh này đã bao hàm tự chủ bệnh viện chưa. Bởi trước giờ tự chủ bệnh viện chủ yếu dựa vào nghị định mà nghị định nhiều khi xuất phát từ luật khác. Tự chủ còn nhiều cái chưa đáp ứng, chưa thích ứng, tự chủ tài chính nhưng chưa tự chủ bộ máy. Rõ ràng tự chủ còn nhiều băn khoăn lo lắng. Vì vậy, cần mạnh dạn góp ý để củng cố lại vấn đề tự chủ bệnh viện" – BS Thượng nói.
Theo BS Thượng, ngoài tự chủ bệnh viện còn có xã hội hóa. Quan điểm của ngành y tế, xã hội hóa nếu không có sự đóng góp của xã hội thì khó đáp ứng nhiệm vụ. "Khi ngồi bàn bạc về xã hội hóa, chúng tôi lấy hình ảnh chiếc máy bay để dễ hiểu. Trên máy bay có người giàu, người nghèo. Tất cả, đều ngồi trên máy hiện đại chứ xã hội hóa mà để người giàu ngồi trên máy bay mới, người nghèo ngồi máy bay cũ thì bất ổn" – BS Thượng ví von.
Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM
Góp ý thêm về vấn đề xã hội hóa trong y tế, BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng để xã hội hóa công bằng, công khai với người bệnh nên có khung giá không phân biệt giữa người bệnh công lập và người bệnh xã hội hóa. Để đạt được điều này thì giá thu đầu tiên phải tính đúng, đủ.
"Cơ sở khám chữa bệnh được ví như máy bay. Hễ lên được máy bay thì không ngồi ghế phụ, ghế đôi. Mức cơ bản của giá vé này khi lên máy bay là có ghế ngồi, nước uống, mền đắp. Vì vậy, nếu giá đó tính đúng, tính đủ, thì mời các nhà đầu tư xã hội hóa. Tất cả mục đích phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, những ai có nhu cầu ngoài nhu cầu cơ bản như muốn đi lối riêng, lên máy bay sớm hơn… cũng sẽ có thể chọn được" – BS Dũng phân tích.
Theo BS Thượng, chưa bao giờ ngành y tế được quan tâm sâu sát như hiện tại. "Chúng tôi luôn theo đuổi, đảm bảo công bằng y tế cho người giàu và người nghèo. Bên cạnh đó, còn đảm bảo công bằng giữa các nhân viên y tế. Bởi càng ngày càng có sự chênh lệch giữa các cơ sở y tế trong khi các cơ sở công lập và tư nhân đều làm việc nhiều như nhau" – BS Thượng tâm tư.
BS Thượng cho biết Nghị định 60/2021 vừa ban hành có nói về quỹ thu nhập tăng thêm là ngoài ngân sách. "Như vậy, chính sách sắp tới có điều tiết vấn đề này được không? Một nơi chênh lệch thu chi rất nhiều lên đến hàng trăm tỉ đồng, một nơi chênh lệch âm. Hiện đang có sự mất công bằng về thu nhập" - ông Thượng đặt vấn đề.
BS Thượng băn khoăn sắp tới sửa luật khám chữa bệnh có giải quyết được những vấn đề nóng hiện nay liên quan đến tự chủ bệnh viện, đấu thầu thuốc,.... "Chúng tôi cần sửa sớm vì có nhiều vấn đề quá lạc hậu" – BS Thượng nhấn mạnh.
Bình luận (0)