xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây dựng hệ thống y tế công, tư rõ ràng, phát triển hài hòa

Phan Sơn-Nhất Phương

XÃ HỘI HÓA Y TẾ.- Được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 30-9-1993, Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân đã tạo điều kiện cải thiện đời sống cho một bộ phận đội ngũ thầy thuốc, đồng thời cho phép lực lượng này tận dụng thời gian rảnh rỗi tham gia, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chia sẻ sự quá tải của khu vực y tế Nhà nước. Tuy nhiên, việc khu vực y tế tư nhân phát triển lớn mạnh như hiện nay đã làm nảy sinh không ít điều bất cập. Trước thực tế này, ngày 11-2, Sở Y tế TPHCM đã mở hội thảo về hành nghề y tư nhân, nhằm tìm giải pháp khắc phục những bất cập

Mặc dù đầu tư trang thiết bị ngang tầm, thậm chí vượt cả nhiều bệnh viện (BV) Nhà nước, nhưng khó khăn lớn nhất cho các BV tư nhân hiện nay là thiếu đội ngũ thầy thuốc có tay nghề cao để đảm nhiệm công việc chuyên môn. Điều này dẫn đến tình trạng khu vực này dùng nhiều cách để thu hút bác sĩ (BS) giỏi từ các BV Nhà nước sang.

Thiếu nhân lực, bài toán nan giải!

Bác sĩ Vũ Thị Nhung, Giám đốc BV Hùng Vương, nêu thực trạng là nhiều BS giỏi của đơn vị mình sau khi được đào tạo từ nước ngoài đã chuyển sang khu vực tư nhân vì đồng lương béo bở. Mặt khác, tuy không bỏ đi, nhưng một số người làm theo kiểu “chân trong, chân ngoài”, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Thực trạng thiếu nhân sự được chính BS Nguyễn Hữu Tùng, Giám đốc BV Đa khoa tư nhân Hoàn Mỹ, thừa nhận. Theo ông, các BS trẻ tuy nhiệt tình, nhưng lại thiếu kinh nghiệm nên khó tuyển dụng, vì thế giải pháp trước mắt của các BV tư nhân vẫn là nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia khu vực Nhà nước. Nếu thế thì có thể chấp nhận, đàng này theo BS Phan Văn Nghiệm, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, nhiều cơ sở tư nhân đi quá xa trong việc quảng cáo sai sự thật, bác sĩ trẻ mới ra trường làm việc vài năm, nhưng được cho là “tinh thông xuất chúng”! Có nơi sử dụng BS nước ngoài và gán cho những người này nhiều học hàm, học vị thật kêu như “tiến sĩ”, “giáo sư”, “viện sĩ viện hàn lâm”...

Khó quản lý bác sĩ về chuyên môn và đạo đức

Một tồn tại ở các BV tư nhân là thiếu sự phân cấp về chuyên môn, khiến BV Nhà nước gặp khó khăn trong quan hệ và hỗ trợ. BS Vũ Thị Nhung dẫn chứng, BV Hùng Vương đã tiếp nhận không ít ca tai biến sản khoa hoặc điều trị thất bại từ BV tư nhân chuyển đến. Theo bà, như vậy khu vực y tế Nhà nước chẳng khác nào chỉ là nơi gánh chịu hậu quả của khu vực tư nhân. Sau một thời gian chữa trị ở tư nhân không hết bệnh, khi đến cơ sở y tế Nhà nước, nhiều bệnh nhân đã cạn kiệt tiền bạc, vì thế cơ sở Nhà nước lại phải giảm hoặc miễn viện phí! Với chức năng chỉ đạo tuyến trước về chuyên môn, BS Nhung đặt vấn đề: Liệu BV Hùng Vương có được quyền chỉ đạo BV tư nhân hay không?

TS Nguyễn Thế Dũng – Giám đốc Sở Y tế TPHCM:

Dấu hiệu đáng mừng

Sự phát triển y tế tư nhân hiện nay là một dấu hiệu đáng mừng, nó cho thấy chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Nhà nước trong việc xã hội hóa ngành y tế. Tuy nhiên, để phục vụ tốt nhu cầu chữa bệnh cho nhân dân tại các địa bàn dân cư quy hoạch ở một thành phố lớn như TPHCM, Nhà nước cần cho phép Sở Y tế được xét cấp chứng chỉ hành nghề loại hình bệnh viện và giấy phép thành lập bệnh viện tư nhân.

GS Ngô Gia Hy:

Mọi người đều có thể tham gia bảo hiểm y tế

Hiến pháp cũng như luật pháp các nước trên thế giới quan niệm ngành y là ngành tự do, và ở Việt Nam cũng vậy. Đối với bác sĩ, tự do phục vụ bệnh nhân ở đâu cũng được, bác sĩ có quyền tự do chẩn đoán, điều trị và theo dõi. Vì vậy, theo tôi, ở phương diện này, đừng phân biệt công và tư. Được bảo vệ sức khỏe khi đau ốm là quyền tự do của người dân. Mọi người được quyền lựa chọn bác sĩ điều trị theo ý của mình. Vì vậy Bộ Y tế nên xem xét lại hệ thống bảo hiểm y tế (BHYT), làm sao để ai cũng có thể được BHYT. Và khi đã có BHYT thì bệnh nhân được điều trị ở đâu cũng được, cả bệnh viện công và tư ở khắp nơi trên đất nước vì họ được tự do chọn bác sĩ điều trị. Do đó bệnh viện tư cũng phải tham gia vào hệ thống BHYT.

Trên cương vị Chủ tịch Hội Y Dược học TPHCM, TS Nguyễn Duy Cương nêu thực trạng: Mặc dù hội có 42 chi hội thành viên, nhưng tất cả đều là hội khoa học kỹ thuật (KHKT), sinh hoạt chủ yếu là báo cáo KHKT thường kỳ, không mang tính nghề nghiệp nên không thể quản lý BS hội viên về mặt chuyên môn và đạo đức. Không có hội nghề nghiệp, nên theo TS Nguyễn Duy Cương, làm sao tránh được trường hợp BS hành nghề tư nhân không đủ trình độ chuyên khoa mà vẫn được cấp phép hành nghề theo chuyên khoa, không được liên tục bồi dưỡng chuyên môn và quản lý về đạo đức, dễ dẫn đến sai sót về nghiệp vụ và vi phạm y đức. Tình trạng BS phòng mạch tư ghi đơn thuốc mà gần như không ai đọc được, bán thuốc giá cao, không cho bệnh nhân biết tên thuốc... vẫn còn phổ biến, gần như không có sự quan tâm của cơ quan quản lý.

Y tế công, y tế tư phải phát triển hài hòa

Theo TS-BS Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, để phát triển đúng định hướng XHCN, hệ thống y tế hiện nay cần tuân thủ nguyên tắc công lập chủ đạo, tư nhân gắn kết hài hòa. Khi tham quan Thái Lan, BS Dũng nhận thấy dù đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, nhưng ở quốc gia này các BS giỏi vẫn làm việc trong khu vực nhà nước chứ không làm cho tư nhân và y tế nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo. Để làm được điều này, BS Dũng cho rằng Nhà nước cần đầu tư mạnh vào y tế công lập. Trong thực tế, tuy các BS làm ở BV Nhà nước có thu nhập thấp hơn làm tư, nhưng họ có điều kiện trau dồi tay nghề, nâng cao chuyên môn. Từng tham quan nhiều nước trên thế giới, giáo sư Ngô Gia Hy cho rằng không nên phân biệt công tư rạch ròi vì khu vực nào cũng có chung một đối tượng phục vụ là bệnh nhân. Nhưng ông đồng ý phải tăng cường đầu tư vào khu vực Nhà nước vì ngân sách Nhà nước hiện nay cho y tế còn “quá hẻo”. Tuy nhiên, y tế Nhà nước không thể trông chờ vào “ngoại lực” mà cần tự thân vươn lên. GS Trương Công Cán, người có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy quản lý y tế, nêu thực trạng đáng buồn là các cơ sở Nhà nước còn làm việc lề mề, thiếu năng động. Một dẫn chứng là các bảo vệ ở BV Nhà nước thường quan liêu, không chu đáo, hoàn toàn khác với hình ảnh của các bảo vệ ở BV tư nhân. Để chấn chỉnh hoạt động y tế tư nhân, theo TS Nguyễn Duy Cương, các cấp thẩm quyền cần soạn thảo và ban hành quy chế chi tiết về nghĩa vụ của người thầy thuốc hành nghề, để làm cơ sở quản lý người hành nghề trong phạm vi đạo đức người thầy thuốc cho phép. Dần dần tổ chức hội KHKT và hội nghề nghiệp thành hai tổ chức độc lập, làm hậu thuẫn vững chắc cho cơ quan quản lý. Nhìn chung, nếu được chấn chỉnh đúng mức, y tế tư nhân sẽ góp phần tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, tạo nên một khả năng cạnh tranh lành mạnh đối với khu vực y tế Nhà nước để hai bên cùng phát triển tốt đẹp.

 Vài con số về khu vực y tế tư nhân ở TPHCM
 . Tính đến cuối năm 2002, tổng số cơ sở hành nghề y, dược tư nhân tại TPHCM là 10.277 cơ sở. Trong đó:

- Bệnh viện đa khoa: 11.

- Phòng khám đa khoa: 16.

- Phòng khám chuyên khoa: 4.983.

- Phòng chẩn trị y học cổ truyền: 1.207.

Ngoài ra trên địa bàn thành phố còn có:

- Phòng khám 100% vốn nước ngoài: 4.

- Phòng khám có bác sĩ, lương y người Trung Quốc khám, trị bệnh: 11.

- Phòng khám cá thể của bác sĩ Việt kiều: 1.

. Trong năm 2002, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phạt cảnh cáo 201 cơ sở, phạt tiền 941 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Các vi phạm chính là không thực hiện đúng các quy chế, điều lệ về y tế: 6,6%, hành nghề không phép: 4,5%, vệ sinh vô trùng: 11%...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo