Sau hơn 2 tháng tạm ngừng sử dụng để tìm nguyên nhân liên quan đến các ca tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế dùng lại vắc-xin này trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia để ngừa cùng lúc 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ do Hib.
Chấp nhận phản ứng phụ
Theo GS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, việc ngừng sử dụng vắc-xin kéo dài trong khi vắc-xin không phải là nguyên nhân gây tai biến sẽ khiến trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. “Dĩ nhiên vắc-xin cũng có những phản ứng nhất định. Với Quinvaxem, phản ứng có thể gặp là đau tại chỗ hoặc sốt chứ không thể dẫn đến tử vong. Với bất kỳ loại vắc-xin nào, trước khi lưu hành đều qua nhiều khâu kiểm định chặt chẽ, phải bảo đảm 2 nguyên tắc cơ bản là an toàn và hiệu lực mới được phép sử dụng” - ông Huấn khẳng định.
Cũng theo GS Huấn, việc gián đoạn mũi tiêm trong hơn 2 tháng qua không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của trẻ khi tiêm các mũi tiếp theo, kể cả những trẻ đã tiêm 1 hay 2 mũi trước đó.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chánh Văn phòng dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch để chuẩn bị đưa vắc-xin Quinvaxem sử dụng trở lại, nhanh nhất trong tháng 9 tới.
Vắc-xin cũ, quy trình mới
Với việc tái sử dụng vắc-xin Quinvaxem, GS Huấn đề nghị cần nhanh chóng bổ sung và sửa đổi quy trình tiêm chủng để hạn chế những sai sót nghiêm trọng như trong thời gian qua. “Vắc-xin phải được bảo quản ở nhiệt độ mà nhà sản xuất khuyến cáo và càng không thể để chung với các thuốc khác. Nếu để vắc-xin chung với các loại sinh phẩm y tế khác rất dễ dẫn đến nguy cơ tiêm nhầm thuốc, gây hậu quả khó lường. Nhiều ý kiến đang lo ngại 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin ngừa bệnh viêm gan B ở Quảng Trị do tiêm nhầm vắc-xin” - GS Huấn nói.
Theo GS-TS Nguyễn Thu Vân, nguyên giám đốc Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm y tế số 1 (Bộ Y tế), việc bảo quản vắc-xin không đúng nhiệt độ không chỉ làm mất hiệu lực phòng bệnh của vắc-xin mà còn gây những phản ứng khó lường đối với sức khỏe của trẻ. “Chẳng hạn với loại vắc-xin quy định không được bảo quản đông băng mà làm đông băng rồi tiêm cho trẻ thì dễ giải phóng độc tố trong vắc-xin, gây phản ứng nặng, thậm chí tử vong” - GS Vân nói.
Cần bồi thường sau sự cố tiêm chủng Chiều 1-8, tại buổi tọa đàm “Nhìn lại chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia” do kênh VTC 14 (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) tổ chức, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đề xuất cần bồi thường cho các trường hợp gặp sự cố sau tiêm chủng trên cơ sở đánh giá chính xác các nguyên nhân những người chịu trách nhiệm gây nên tai biến sau tiêm chủng. Theo ông Nguyễn Văn Cường, việc bồi thường đã được quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Trong trường hợp lỗi tai biến do vắc-xin, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm. Nếu tai biến do thực hành tiêm chủng thì đơn vị và cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. |
Bình luận (0)