Ngày 10-11, Bệnh viện Mắt TP HCM cho biết tại đây vừa tiếp nhận, kịp thời điều trị cho 2 trường hợp là trẻ em bị lưỡi câu móc vào mắt.
Bé L. được bác sĩ thăm khám sau phẫu thuật
Theo đó, trường hợp đầu tiên là bé trai N.M.L (11 tuổi, ngụ Bình Thuận) gặp nạn khi dùng sức giật cần câu lên. Tuy nhiên, không may lưỡi câu móc vào mắt. Ngay sau đó, bé L. được những người câu cá xung quanh chở về nhà và được gia đình đưa đến Bệnh viện Mắt cấp cứu.
Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán rách giác mạc, thủng giác mạc, kèm đục thủy tinh thể mắt phải. Bé được khâu giác mạc, củng mạc cấp cứu. Hiện mắt bé Linh đã ổn định, không còn đau, nhưng thị lực thì bị ảnh hưởng nặng nề.
Trường hợp thứ 2 là bé T.K. (4 tuổi, ngụ Tiền Giang) được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Mắt trong tình trạng vết thương xuyên thủng nhãn cầu, viêm mủ nội nhãn. Bé đã được khâu vết thủng giác mạc và tiêm kháng sinh nội nhãn hiện đang còn phải tiếp tục theo dõi, điều trị tình trạng nhiễm trùng mắt.
Chị T.A. (mẹ bé) kể trong lúc cả nhà đang ăn cơm trưa thì nghe tiếng con khóc nên chạy ra xem và thấy trên tay con đang cầm một lưỡi câu. Kiểm tra mắt của con, chị A. thấy mí mắt bị chảy máu. Do đó, ngay trong đêm chị đưa con đến bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó được chuyển lên tuyến trên cấp cứu.
BS CKII Võ Đức Dũng, Trưởng Khoa Mắt nhi, Bệnh viện Mắt TP HCM cho biết so với những năm trước, số trẻ bị chấn thương mắt trong năm nay ghi nhận nhiều hơn. Ví dụ như chấn thương mắt tại trường học khi các trẻ đùa giỡn nhưng cầm compa, viết rồi vô tình đâm vào mắt; chấn thương mắt trong sinh hoạt như câu cá, chơi dây thun, bắn ná…
Trước tình huống nhiều trẻ bị chấn thương mắt trong trường học và sinh hoạt hàng ngày, BS CKII Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Khoa Mắt nhi, Bệnh viện Mắt khuyến cáo, nếu chẳng may trẻ bị chấn thương mắt, phụ huynh nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời và có hướng điều trị tiếp theo phù hợp. Lúc này, nên dùng băng gạc y tế băng che vết thương để hạn chế nhiễm trùng.
Tuyệt đối không tự rút dị vật ra, đồng thời dỗ dành trẻ, hạn chế để trẻ gồng khóc vì có thể khiến tổ chức nội nhãn phòi ra ngoài, hoặc xuất huyết nhiều khó cầm, dẫn đến việc bảo tồn mắt khó hơn. Lưu ý thêm, trong tình huống này, phụ huynh không cho bé ăn uống bất kỳ thứ gì vì các bác sĩ sẽ tiến hành gây mê, phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức. Nếu phụ huynh cho trẻ ăn uống, buộc phải đợi thêm 6 tiếng đồng hồ, điều này sẽ làm trễ thời gian vàng phẫu thuật.
Để phòng tránh chấn thương mắt, bác sĩ Võ Đức Dũng hướng dẫn phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ cầm vật sắc nhọn như viết, kéo…; đối với trẻ lớn hơn thì dạy trẻ đi đứng thận trọng, không được đùa giỡn khi cầm các vật sắc nhọn; bởi kể cả khi đang đi lại bình thường, vẫn có thể xảy ra chấn thương mắt khi vô tình té ngã mà tay đang cầm vật sắc nhọn.
Bình luận (0)