Bộ Y tế tối 3-8 cho biết đến nay, cả nước đã thực hiện tổng cộng 493.481 xét nghiệm Realtime RT-PCR. Từ ngày 23-7 đến 3-8, Đà Nẵng đã thực hiện 13.321 xét nghiệm (riêng ngày 3-8 xét nghiệm 1.140 mẫu); Hà Nội đã thực hiện 3.336 xét nghiệm (riêng ngày 3-8 xét nghiệm 106 mẫu); TP HCM đã thực hiện 19.382 xét nghiệm (riêng ngày 3-8 xét nghiệm 3.421 mẫu).
Rất nhiều người từ Đà Nẵng trở về hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 thở phào nhẹ nhõm vì xét nghiệm ban đầu âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngay cả đối với người xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nếu chưa cách ly đủ 14 ngày thì có kết quả âm tính vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn.
Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân Đà Nẵng - Ảnh: Lê Bảo
Theo bác sĩ Cấp, SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng. Quá trình âm thầm nhân lên của virus gọi là thời gian ủ bệnh. Trong thời gian này do virus chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có virus.
"Thực tế đã có những trường hợp âm tính thời điểm sàng lọc nhưng sau đó lại dương tính với SARS-CoV-2. Thời gian ủ bệnh của hầu hết các bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỉ lệ rất nhỏ có thể dài hơn"- bác sĩ Cấp lưu ý.
Bác sĩ Cấp cho biết một người đi qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh thì việc tự cách ly và theo dõi trong 14 ngày mới là điều quan trọng. Việc xét nghiệm chỉ thực hiện khi cá nhân có các triệu chứng về hô hấp. Việc xét nghiệm sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng có rất ít giá trị. Thậm chí có người sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính nghĩ rằng mình không bị bệnh và chủ quan tự phá vỡ các quy tắc cách ly. Khi đó họ có thể trở thành nguồn lây cho cộng đồng nếu những ngày sau đó mắc Covid-19.
Bác sĩ khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm việc cách ly 14 ngày sau xét nghiệm - Ảnh: Ngô Nhung
Nếu đi qua vùng có dịch Covid-19 hay tiếp xúc gần với người nghi có bệnh, xin cố đòi xét nghiệm ngay để... yên tâm. Ngay cả khi có kết quả âm tính vẫn cần tiếp tục theo dõi y tế, cách ly 14 ngày, thực hiện đúng khuyến cáo chứ không được loại bỏ hẳn hoặc "yên tâm vì mình chắc chắn âm tính".
Bác sĩ Cấp khuyến cáo trong vòng 14 ngày đó hãy thông báo lại cho cơ quan y tế bất cứ lúc nào có biểu hiện nghi mắc Covid-19 như: sốt, ho, đau họng, tiêu chảy … để xét nghiệm sớm. Còn những trường hợp khác sẽ xét nghiệm vào ngày thứ 13-14 để khẳng định âm tính để người đó được khẳng định an toàn khi tái hòa nhập cộng đồng.
Nhận định về tình hình dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng có 3 yếu tố chính khiến diễn biến dịch Covid-19 ở Đà Nẵng trở nên nguy hiểm. Đầu tiên phải kể đến việc dịch đã lây lan trong cộng đồng. Do không khống chế được những ca đầu tiên, nên bây giờ chúng ta không biết chính xác phạm vi lây nhiễm đang ở mức độ nào.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Nguyên nhân tiếp theo là dịch tác động vào nhóm bệnh nhân có sức đề kháng rất yếu. Đó là nhóm bệnh nhân suy thận nặng, chạy thận nhân tạo; nhóm bệnh nhân nằm ở Khoa Ung bướu; nhóm bệnh nhân Khoa Hồi sức tích cực.
"Với nhóm bệnh nhân này nếu không mắc Covid-19 thì nguy cơ tử vong đã rất cao và khi mắc thêm Covid-19, nguy cơ tử vong lại tăng lên rất nhiều" – bác sĩ Cấp phân tích.
Yếu tố cuối cùng đó là việc dịch đã tác động đến lực lượng y tế, với một số trường hợp điều dưỡng, bác sĩ đã được xác định bị lây nhiễm chéo SARS-CoV-2. Nếu xu hướng này không được kiểm soát tốt thì việc y, bác sĩ bị nhiễm bệnh ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng nặng nề đến công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Bình luận (0)