Hiện nay những vết tích này mới lên da non, tôi có nên bôi thêm thuốc chống sẹo cho cháu không? Tôi có một cô con gái khác năm nay 15 tuổi, lúc cô em phát bệnh tôi có cho cháu đi chích ngừa, bác sĩ nói may ra kháng thể kịp có tác dụng, nhưng không chắc… Nếu cháu bé này cũng phát bệnh thủy đậu, tôi nên chăm sóc như thế nào để mặt cháu đừng để lại sẹo nhiều như em gái?
(Nguyễn Thị Mỹ An, 37 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM)
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM):
Chị không nên quá lo lắng về những dấu vết mà bệnh thủy đậu (trái rạ) để lại. Ở trẻ dưới 15 tuổi, các dấu vết chị đang thấy sẽ dễ dàng mất đi sau vài tháng mà không cần làm thêm bất cứ điều gì, vì quá trình tái tạo da ở trẻ rất tốt. Ngay cả những bóng nước bị vỡ ra, có nhiễm trùng cũng hiếm khi để lại dấu vết lâu dài ở trẻ em.
Nhưng cẩn thận hơn, từ giờ cho đến vài tháng sau, tức khi những dấu vết thủy đậu hoàn toàn biến mất, chị nên chống nắng cho bé khi ra ngoài bằng nón, áo khoác cotton màu trắng... Một số tia độc hại trong ánh nắng, nhất là nắng gắt buổi trưa, có thể khiến vùng da non mới liền lại bị thâm và để lại những vết thâm nhỏ về sau.
Với bé lớn, nếu cháu bị lây thủy đậu, điều đầu tiên chị cần làm là đưa bé đi khám. Thủy đậu là bệnh chắc chắn cần đi khám. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống, thuốc bôi đặc trị. Động thái này giúp bệnh không quá nặng, bé được hướng dẫn chăm sóc đúng cách thì các vết bóng nước không bị nhiễm trùng và không bị sẹo.
Ở trẻ trên 15 tuổi và người lớn, quá trình tái tạo da có phần không tốt như trẻ nhỏ, nên nếu cơ địa của cháu dễ có sẹo xấu, có những vết bóng nước bị bội nhiễm, chị có thể áp dụng các biện pháp chống sẹo khi các sang thương đã lên da non. Tuyệt đối không chống sẹo khi các tổn thương chưa lành hẳn, vì rất dễ gây nhiễm trùng.
Cách chống sẹo đơn giản nhất là dùng củ nghệ. Biện pháp dân gian này có hiệu quả rất cao. Bạn cũng có thể mua thuốc chống sẹo ở nhà thuốc để bôi.
Bình luận (0)