Theo các bác sĩ, vết phỏng thường gặp là ở vùng cẳng chân và bàn chân, không sâu nhưng thường để lại vết sẹo lâu dài. Xử trí ban đầu, chăm sóc tại nhà không đúng là nguyên nhân gây nên biến chứng nhiễm trùng nặng, lâu lành.
Ngay khi bị phỏng trẻ thấy đau rát, nhìn thấy vùng da phỏng ửng đỏ và có khi bị bong tróc lớp da ngoài, có thể nổi bóng nước to sau vài giờ. Các bậc phụ huynh cần biết sơ cứu đúng cách để giúp giảm đau và ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng, di chứng sẹo ở trẻ sau này. Các bước như sau:
1. Ngay lập tức làm mát vùng da bị phỏng bằng cách đặt vết phỏng dưới vòi nước hoặc dội nhiều nước sạch lên vết phỏng trong vài phút.
2. Nếu có sẵn nên bôi phủ vết phỏng bằng thuốc mỡ đặc trị phỏng để làm dịu và giúp vết phỏng mau lành.
3. Băng lại bằng gạc sạch. Thoa thuốc bôi vào bông băng trước khi băng sẽ giúp trẻ đỡ đau hơn.
4. Thay băng sau 24 giờ và sau đó mỗi 2 – 3 ngày: Rửa vết thương bằng nước muối, bôi thuốc mỡ đặc trị (Biafin hoặc Silvirin) phủ kín vết phỏng và băng lại bằng gạc sạch.
Không nên chọc vỡ bóng nước, bôi đắp các loại chất bôi không rõ vì sẽ làm chậm lành vết thương và thêm nguy cơ nhiễm trùng. Đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu trong quá trình chăm sóc tại nhà có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng như da bị đỏ lên hoặc mất màu ở vùng da bình thường quanh vết phỏng, vết phỏng có mùi hôi làm trẻ đau hơn, vết phỏng sưng nhiều, trẻ sốt hoặc kèm ớn lạnh.
Bình luận (0)