Bà Trần Thị Liên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu, cho biết từ tháng 6 - 2011 đến nay, ở tỉnh này đã ghi nhận được 25 trường hợp nhiễm bệnh than. Đây đều là những trường hợp có ăn thịt trâu và tiếp xúc với nguồn bệnh là những con trâu nhiễm bệnh than.
Ăn thịt trâu, cả nhà mắc bệnh

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết ổ chứa bệnh than thường là động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, dê, ngựa… Khi những con vật này nhiễm bệnh rất dễ lây lan sang người qua các vết xước trên da trong quá trình giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt nhiễm bệnh chưa nấu kỹ. Vị trí tổn thương thường ở đầu, cổ, các chi. Chỗ da bị nhiễm trùng xuất hiện ngứa đầu tiên, sau đó nổi sần, mụn nước và từ 2 - 4 ngày sau phát triển thành vết loét màu đen, những nốt loét có thể bị nhầm với viêm da. Thời gian ủ bệnh, từ một vài giờ đến vài ngày nhưng hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc. Nhiều trường hợp có sốt cao, nhiễm trùng máu, viêm phổi nặng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiễm trùng huyết và tổn thương não dẫn đến tử vong.
Thịt bệnh thành... đặc sản!
Mặc dù đã có trường hợp tử vong do ăn thịt trâu nhiễm bệnh than nhưng theo nhiều địa phương việc thuyết phục người dân không sử dụng nguồn thịt nhiễm bệnh gần như không thể thực hiện được. Theo bà Trần Thị Liên, bất chấp mối nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, một số cơ sở kinh doanh và hộ gia đình vẫn giết mổ, chế biến và tiêu thụ thịt súc vật ốm hoặc chết.
Tại huyện Than Uyên, ngoài những con trâu chết, các hộ gia đình giết lấy thịt trước khi cơ quan chức năng tới, mới đây cơ quan chức năng đã kịp thời cưỡng chế đưa 2 con trâu bệnh đi chôn nhưng đêm đến những gia đình này đã đào lên, xẻ thịt đem bán. Bà Trần Thị Liên cho rằng với nhiều gia đình, trâu, bò là tài sản lớn nhất của họ, nên khi lực lượng y tế, thú y đến cưỡng chế, nhiều người đã lao vào giằng xé, khóc lóc giữ lại gia súc để xẻ thịt. “Nhiều gia đình vì tiếc của nên họ lẳng lặng “vớt vát” bằng cách xẻ thịt đem bán ở những nơi khác hoặc chuyển thịt đi sấy khô biến chúng trở thành món đặc sản cho các nhà hàng như trâu khô gác bếp, bò khô…” - bà Liên lo ngại.
GS-TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết bệnh than không chỉ ghi nhận được ở các tỉnh miền núi mà vài năm trước đây căn bệnh này cũng được phát hiện tại một huyện ở Hà Nội. Vì thế cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh than, xử lý triệt để ổ dịch; giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với các mô của động vật chết vì mắc bệnh than hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Với những động vật nhiễm bệnh than thường được khuyến cáo tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn sâu cùng hóa chất ở những nơi thích hợp.
Mầm bệnh “sống” 20-30 năm GS-TS Trịnh Quân Huấn cho biết việc tái xuất bệnh than ở một số địa phương có thể do trước đây những con trâu, bò mắc bệnh than chôn chưa kỹ nên trực khuẩn gây bệnh còn vương vãi trên cỏ, khi trâu, bò ăn phải sẽ bị mắc bệnh. “Ngay cả trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt thì trực khuẩn than vẫn có thể sống 20 - 30 năm trong đất, kể cả khi nhiều năm sau động vật đã bị tiêu diệt” - GS Huấn nhấn mạnh. |
Bình luận (0)