Đến hôm nay 16-7, sức khỏe của bé gái và sản phụ mang thai hộ đều đã ổn định. Cặp vợ chồng là cha mẹ ruột đã đến đón cháu bé.
Theo chị P.T.H.N., vợ chồng chị đã lấy nhau 13 năm mà không có con, đã thực hiện 2 lần thụ tinh trong ống nghiệm với 3 lần chuyển phôi nhưng kết quả đều không như mong muốn.
PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (phải) bên cháu bé mới sinh và 2 người mẹ (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Trước đó, chị được chẩn đoán có u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng 2 bên rất lớn và lạc nội mạc trong tử cung, ứ dịch nặng 2 ống dẫn trứng, dẫn đến tình trạng hiếm muộn.
Do đó, khi Bệnh viện Hùng Vương triển khai kỹ thuật mang thai hộ, vợ chồng chị đã nhanh chóng nộp hồ sơ. Người mang thai hộ chị là người em dâu trong gia đình nhà chồng.
Người mẹ và sản phụ mang thai hộ - vốn là 2 chị em dâu - rất hạnh phúc vì sự ra đời của cháu bé (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Trong quá trình mang thai, người em dâu từng phải đối phó với tình trạng đái tháo đường thai kỳ, nhưng cuối cùng mọi việc đã suôn sẻ và cho ra đời bé gái khỏe mạnh.
Theo PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, kỹ thuật mang thai hộ là niềm hy vọng cho những trường hợp người vợ có các bệnh lý khiến không thể mang thai được nhưng vẫn còn đủ trứng để làm phôi với tinh trùng của người chồng. "Đây là bước khởi đầu để chúng tôi có thể tiếp tục chương trình mang thai hộ và đem lại nhiều hạnh phúc hơn nữa cho các cặp vợ chồng hiếm muộn" - PGS Tuyết cho biết.
PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết cũng là một trong những bác sĩ đã tham gia xây dựng quy trình mang thai hộ khi kỹ thuật này được cho phép triển khai ở Việt Nam từ năm 2015, khi bà còn là phó giám đốc của 1 trong 3 bệnh viện đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này.
Bình luận (0)