Chúng tôi muốn viết về y đức nhân Ngày Thầy thuốc VN (27-2), nhưng khi đề cập đến ý định này, một cán bộ lãnh đạo ngành y tế khuyên: Cả năm mới có một ngày dành cho thầy thuốc, có nên viết hay không?
Phân vân. Chợt nhớ lại mấy năm trước cũng nhân ngày 27-2, chúng tôi có đặt một vị giáo sư viết về vấn đề y đức, như là một vấn đề thời sự cần được cảnh báo, khi mà y đức lúc đó đang “nóng” lên. Nhưng đến ngày lấy bài về nộp cho tòa soạn, vị giáo sư đó khất và giới thiệu cho chúng tôi một vị giáo sư khác. Rồi chính vị “giáo sư khác” đó giới thiệu cho chúng tôi một giảng viên ở Trường Đại học Y Dược TPHCM... Cuối cùng tòa soạn không thể có được bài viết đó!
Đem chuyện này tâm sự với một bác sĩ thân quen, ông nói thẳng: “Có người bác sĩ nào bảo đảm mình thực hiện được y đức, mà viết về y đức?”.
Có thực như vậy không? Và chúng tôi mạn phép viết về y đức khi mà chưa đến ngày thầy thuốc...
Chuyện ghi được ở trong bệnh viện
Mới 6 giờ sáng, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đông nghịt người. Người ta tranh thủ đi thật sớm để tránh tình trạng quá tải. Chúng tôi đưa người nhà đi khám bệnh ung thư vú. Dắt xe qua gửi bên kia đường. Đập ngay vào mắt chúng tôi là những bảng hiệu: “Bác sĩ X., Bác sĩ Y. - Bệnh viện Ung Bướu”. Người giữ xe đưa thẻ xe và dúi vào tay chúng tôi những tấm danh thiếp, giới thiệu phòng khám của bác sĩ A., B... Người bệnh nào không băn khoăn, tự hỏi, hay là cứ đi thử bác sĩ tư? Xét về mặt y đức, tại sao những bác sĩ làm việc ngay tại bệnh viện này lại có phòng khám ở ngay cạnh bệnh viện? Liệu họ - những bác sĩ ấy khi cầm ống nghe khám cho bệnh nhân mình, mắt ngó người bệnh thăm dò, xem bệnh nhân này có khả năng kinh tế hay không, có thể kéo họ đến phòng mạch của mình hay không...
Và đúng như vậy, khi người nhà của chúng tôi được xác định ung thư vú giai đoạn đầu và xin được tự nguyện mổ dịch vụ, dù có thẻ bảo hiểm y tế, ngay lập tức, một bác sĩ còn rất trẻ liền tiếp thị một cách hết sức trâng tráo: Lôi kéo bệnh nhân ra mổ ở phòng khám tư với giá trên 10 triệu đồng...
Chuyện ở một bệnh viện lớn nọ cũng hết sức lạ kỳ. Một người bệnh ung thư, được chỉ định phải mổ điều trị. Người nhà nghe “đồn” phải có bao thư, việc này mới xong. Họ liền tìm cách kiếm cho được địa chỉ nhà bác sĩ trưởng khoa – điều này dễ hơn việc tìm đường ở TPHCM! Bao thư 5 triệu đồng được trao tận tay vị trưởng khoa. Và quả nhiên, người bệnh được chăm sóc chu đáo...
Chuyện ở bệnh viện phụ sản, mà ai một lần sinh con, đều biết. Khi chúng tôi sinh con, vị bác sĩ chỉ định đỡ đẻ cho tôi nói: “Chuẩn bị một ít tiền lẻ làm phụ phí...”. Vậy là mấy ngày nằm ổ trong bệnh viện, phải chi “phụ phí” liên tục!
Và còn rất nhiều chuyện nữa...
Chuyện ghi ở các phòng khám
Ở phòng khám tư nhân, sao lại nói về y đức? Ở đó chỉ có bệnh nhân - bác sĩ - và tiền? Có ai đó nói với chúng tôi như vậy, nhưng chúng tôi không tin, vì y đức đâu chỉ tồn tại trong bệnh viện, mà nó phải sống suốt cuộc đời hành nghề của người hành nghề y chứ!
Một bệnh nhi đau bụng liên tục, các bệnh viện nhi đồng đều không tìm ra bệnh. Một người quen mách bác sĩ N. rất giỏi. Người nhà đưa đến, bác sĩ kết luận: “Cháu bị dư acid”. Vài gói thuốc đưa ra, tất cả đều xay thành...bột! Mà bác sĩ N. này giỏi thật, chỉ một vài liều, cháu đã bớt bệnh. Vấn đề ở đây là y đức nằm trong... cái gói thuốc bột ấy!
Một bác sĩ có tiếng, rất giỏi. Có điều ông ta điều trị cho bệnh nhân rất lạ, mới xem ra thì rất... y đức: Chỉ khám, kê toa và không bao giờ bán thuốc và chính ông ta lên án hành vi bán thuốc tại phòng khám của bác sĩ là trái với quy định. Điều đặc biệt nữa là ông ta chỉ nhận khám và chữa cho những đại gia và không lấy tiền khám bệnh! Vậy ông ta sống bằng gì? Sống bằng... quan hệ! Bởi hầu hết bệnh nhân của ông ta là những doanh nhân, những vị có chức có quyền, có tiền. Thù lao của ông ta tính bằng những quan hệ đó!
![]() Sinh viên Trường ĐH Y Huế hiến máu nhân đạo - cũng là một cách rèn luyện y đức cho sinh viên ngành y. Ảnh: X.Hồng |
Một bác sĩ chuyên khoa tim mạch nhưng phòng khám của ông ta là phòng khám... đa khoa! Rất mát tay, mỗi ngày ông có hơn 100 bệnh nhân, khám từ 16 giờ đến 23 giờ! Một tiến sĩ - bác sĩ Việt kiều chứng kiến cảnh khám đó, cho bác sĩ đó là một... thiên tài, bởi một bác sĩ bình thường, không ai có thể làm một khối lượng công việc khổng lồ đó, dù có y tá giúp sức!
Một phòng khám nhi của một bác sĩ đã nghỉ hưu cũng tương tự, một buổi tối, bà bác sĩ ấy “sờ đít” hơn 100 trẻ con, mà chỉ có mỗi mình bà với cô thu ngân kiêm bán thuốc. Đã nghỉ hưu, bà bác sĩ ấy vẫn đề bảng hiệu nhập nhằng: “Bác sĩ X., Bệnh viện Nhi Đồng(!)” . Y đức, nếu xét thì nó nằm ngay cái bảng hiệu đó và “công suất” tuyệt vời của bà bác sĩ nghỉ hưu!
Nghĩ về y đức
Nghề nào cũng phải kiếm đủ tiền để nuôi bản thân và gia đình. Đó là chuyện thường tình. Người ta không thể trách bác sĩ bệnh viện công đi làm, đi trực cho các bệnh viện tư, bởi họ cũng cần tiền để sống, vì bệnh viện công lương quá thấp. Nhưng điều đáng trách là một số người làm tiền trên đầu bệnh nhân một cách dã man, quá dã man.
Tất cả những người học nghề y đều học về y đức. Tuy chưa có một chương trình riêng, chính thống, nhưng nhiều bộ môn đều nhấn mạnh đến vấn đề y đức như là một đặc thù của ngành y. Đã bước vào ngành y là phải đặt y đức trong tâm can. Tất cả cũng đều học kỹ “Quy định về y đức” của Bộ Y tế ban hành; đều đã đọc, đã học về “Lời thề Hippocrates”; đều biết về “8 tội cần tránh của người thầy thuốc” của Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác – một thầy thuốc lừng danh của VN ở thế kỷ 18... Nhưng chuyện học là chuyện học, chuyện hành nghề lại khác.
“Nhà thương” - một danh từ khác để chỉ bệnh viện, đủ nói lên bản chất của cái nơi để cứu người, chữa bệnh cho con người. “Quy định về y đức” của Bộ Y tế ban hành tháng 6-1996, ngay phần nhập đề, đã viết: “Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lương y phải như từ mẫu”. Lời thề của Hyppocrates có từ trước công nguyên, nhưng đã đặt nền tảng đạo đức cho những người hành nghề y, buộc họ mỗi khi cầm đồng tiền của bệnh nhân phải đắn đo, suy nghĩ. Còn Hải Thượng Lãn Ông từng ray rứt: Khi đến với người bệnh mà không có lương tâm, không có đạo đức thì “không khác gì bọn cướp”. Ông cũng đưa ra “8 tội” – nên nhớ rằng đó là “tội”, để làm điều răn cho người thầy thuốc.
Những nền tảng đạo đức ấy, đã từng làm nên những người thầy thuốc mẫu mực, hết lòng vì bệnh nhân, họ sẵn sàng hiến cả máu của mình để cứu người bệnh, sẵn sàng chia sẻ từng đồng tiền ít ỏi của mình cho bệnh nhân. Những gương sáng ấy có nhiều trong ngành y. Nhưng dù muốn hay không cũng phải công nhận rằng ở thời mà sức mạnh của đồng tiền là trên hết, một tiếng nói cảnh báo về y đức là rất cần thiết...
Tám tội cần tránh của người thầy thuốc 1. Có bệnh nên xem xét đã rồi mới bốc thuốc, mà vì ngại đêm mưa vất vả, không chịu đến thăm mà đã cho thuốc, đó là TỘI LƯỜI. 2. Có bệnh nên uống thứ thuốc nào đó mới cứu được nhưng sợ người bệnh nghèo túng, không trả được vốn, nên chỉ cho loại thuốc rẻ tiền, đó là TỘI BỦN XỈN. 3. Khi thấy bệnh chết đã rõ, không nói thật mà lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là TỘI THAM. 4. Thấy bệnh dễ chữa, nói dối là khó, le lưỡi, chau mày, dọa cho người ta sợ để lấy nhiều tiền, đó là TỘI LỪA DỐI. 5. Thấy bệnh khó, đáng lý phải nói thật rồi mới hết sức cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng là không biết thuốc, vả lại chưa chắc đã thành công, mà đã như vậy thì không được hậu lợi, nên kiên quyết không chịu chữa, đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là TỘI BẤT NHÂN. 6. Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình, khi họ mắc bệnh phải nhờ đến mình, liền nghĩ ra ý nghĩ oán thù, không chịu chữa hết lòng, đó là TỘI HẸP HÒI. 7. Lại như thấy người mồ côi, góa bụa, người hiền, con hiếm mà nghèo đói ốm đau thì cho là chữa mất công vô ích, không chịu hết lòng, đó là TỘI THẤT ĐỨC. 8. Lại như xét bệnh còn lờ mờ, sức học còn non mà đã cho thuốc chữa bệnh, đó là TỘI DỐT NÁT. (Trích từ Hải Thượng Y tông Tâm Lĩnh, 6 tập, Hội Y học Dân tộc TPHCM tái bản năm 1986) |
Bình luận (0)