Theo giáo sư Tierno, 80% các bệnh nhiễm trùng được truyền qua việc tiếp xúc như hắt hơi, ho hoặc chạm vào những vật nhiễm khuẩn qua tay. Sau đó, chúng ta lại chạm tay vào mắt, mũi, miệng - đường dẫn vi-rút vào cơ thể. Chuyên gia khuyến cáo mọi người nên rửa tay trước khi ăn, uống hay chạm tay vào mặt. Đồng thời, vệ sinh bề mặt các vật dụng dùng chung có thể lây bệnh trong nhà và văn phòng như điện thoại, máy tính, cửa tủ lạnh...
Ngủ
Ngủ đủ giấc 7-9 tiếng/ đêm giúp các tế bào tự sửa chữa và hồi phục, tránh các nhiễm trùng cho cơ thể. Thực tế, theo một nghiên cứu năm 2012, thiếu ngủ có hại đến hệ thống miễn dịch, gây căng thẳng. Một nghiên cứu trước đó cho thấy giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong một gien chống lại vi khuẩn và vi-rút.
Tập thể dục
Tập thể dục, hoạt động chân tay giúp máu lưu thông dễ dàng, cải thiện sự hoạt động của các tế bào bạch cầu chống lại vi-rút. Theo giáo sư Tierno, chỉ cần hoạt động khoảng một giờ mỗi ngày bằng cách đi bộ quanh văn phòng, lên xuống cầu thang, không nhất thiết phải liên tục cũng tốt cho việc bơm máu.
Bổ sung khoáng chất
Muốn nâng cao sức đề kháng, nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách giảm lượng đường, chất béo, thức ăn nhanh, ăn nhiều rau quả, giàu protein, đặc biệt, bổ sung kẽm giúp cơ thể chống cảm cúm trong suốt mùa lạnh. “Kẽm ngăn chặn virus xâm nhập vào các tế bào”, chuyên gia cho biết.
Các loại gia vị có vị hăng như tỏi, hành có thể chống lại các vi khuẩn và vi-rút gây bệnh do trong tỏi chứa hợp chất allicin ngăn chặn nhiễm trùng.
Uống nước
Không khí lạnh làm chúng ta không có cảm giác khát nước, nhưng bạn nên bổ sung thường xuyên vì cơ thể vẫn cần nước nuôi dưỡng tế bào. “Nếu không uống đủ nước, các tế bào miễn dịch sẽ không làm việc được”, giáo sư Tierno nói.
Bình luận (0)