Đã qua thời tivi được đẩy lên "tốp" đầu tiêu thụ mạnh và đem lại doanh thu cao vượt trội trong các chương trình khuyến mãi, ưu đãi của siêu thị, hệ thống bán lẻ. Thời điểm hiện nay, tồn kho tivi ở mức rất lớn.
Doanh số sụt giảm mạnh
Tại một số hệ thống bán lẻ ở TP HCM như Điện máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn, Điện máy Nguyễn Kim..., tivi được trưng bày ở vị trí mặt tiền, nhiều nhân viên túc trực sẵn sàng chăm sóc khách hàng song gần như không được người tiêu dùng quan tâm. Doanh số tiêu thụ mặt hàng này vì thế sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Hoàng Trọng Hiếu, nhân viên phụ trách mặt hàng tivi của một siêu thị điện máy ở quận 5 (TP HCM), cho biết mặc dù liên tục chào mời khách nhưng cả ngày chỉ có vài người dừng lại hỏi thông tin, số người quyết định mua hàng còn ít hơn nữa. Tại một cửa hàng điện máy khác ở TP Thủ Đức (TP HCM), nhân viên cho hay giai đoạn kinh doanh tốt, mỗi ngày cửa hàng bán ra hàng chục chiếc tivi, còn hiện nay doanh số giảm 80% - 90%.
Do sức tiêu thụ chạm đáy nên mặt hàng tivi đang tồn kho rất lớn. Theo thống kê từ các nhà bán lẻ, hiện có khoảng 1,5 triệu chiếc tivi tồn kho trên thị trường, chưa kể tồn kho tại các nhà máy. Giá tivi cũng được cho là đã giảm xuống mức rất thấp, khó giảm thêm song vẫn chưa đủ kích thích sức mua.
Các hãng điện tử xác nhận không còn đặt trọng tâm kinh doanh vào mặt hàng tivi như trước đây. Nếu như 3-4 năm trước, các hãng liên tục đưa ra model mới với hàng trăm mẫu, giá bán thường cao hơn model cũ 20%-30% thì thời điểm này, hãng chỉ sản xuất ít mẫu với giá cao hơn không đáng kể so với model trước. Thời gian giữ giá bán ở mức cao đối với một số mẫu mới cũng rút ngắn hơn trước đây, thậm chí còn phải nhanh chóng giảm giá sâu nếu bán quá chậm.
Hết cách xoay chuyển tình hình
Ông Nguyễn Ngọc Thiên, Giám đốc một công ty chuyên phân phối tivi từ TP HCM đến các tỉnh lân cận, lý giải nguyên nhân sức mua tivi ngày càng giảm sâu là bởi giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát căng thẳng, người dân có thói quen sử dụng điện thoại di động để tìm kiếm thông tin nhanh chóng nên không còn xem tivi nhiều như trước. Mặt khác, thị trường tivi đã bão hòa khi nhiều gia đình đã có 2 - 3 chiếc, nhu cầu mua thêm không nhiều, chỉ khi nào tivi hư hỏng thì mới cần mua. Các công trình xây dựng lớn, nhà riêng lẻ... tuy cũng cần trang bị tivi nhưng phần lớn để trang trí, ít phục vụ nhu cầu xem.
Theo giám đốc một siêu thị điện máy lớn tại TP HCM, tình hình kinh doanh bắt đầu ảm đạm từ sau dịch COVID-19 và kéo dài đến nay. Nguyên nhân một phần do kinh tế khó khăn, còn phần lớn hơn là do nhu cầu của người tiêu dùng giảm trong khi chưa xuất hiện mẫu tivi nào có công nghệ đột phá đủ để gây chú ý. Do vậy, dù hãng và đại lý tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá thì vẫn khó bán được hàng. "Chúng tôi đã hết "bài", khó có cách nào xoay chuyển được tình hình" - giám đốc này than thở.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động, phụ trách chuỗi Điện máy Xanh - đánh giá thị trường điện máy trong thời gian tới tiếp tục diễn biến không khả quan, trong đó mặt hàng tivi tiêu thụ chậm do người tiêu dùng siết chặt chi tiêu, nhu cầu giảm trong khi giá bán vẫn còn cao. Để giải phóng hàng tồn, cần tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ tiếp cận sản phẩm hơn như bán hàng trả góp, không tính lãi suất...
Đại diện hệ thống FPT Shop xác nhận không có chiến lược tập trung kinh doanh một loại hàng hóa, nhất là khi tivi đã trở nên quá phổ biến như hiện nay. Hệ thống này triển khai bán hàng theo thời điểm, chẳng hạn vào mùa nóng sẽ chủ yếu kinh doanh mặt hàng máy lạnh.
Kỳ vọng vào mùa Euro 2024
Các hãng điện máy có kế hoạch sản xuất tivi phục vụ nhu cầu của người dân tăng cao trong mùa giải Euro 2024 sắp diễn ra từ ngày 15-6 đến 15-7 tại Đức. Một số hãng đã tung ra một số model mới với màn hình lớn, đáp ứng nhu cầu xem những trận cầu mãn nhãn. Đây cũng là cơ hội để các nhà bán lẻ giải phóng lượng hàng tồn kho còn rất lớn.
Bình luận (0)