Cứ điểm Him Lam năm xưa giờ đã trở thành cửa ngõ quan trọng, khang trang vào bậc nhất của TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên với những con đường lớn mở rộng, đón chào du khách. Các dự án phát triển đô thị, thu hút đầu tư trên địa bàn được chú trọng thực hiện đã tạo động lực và thay đổi diện mạo của địa phương.
Đổi thay trên vùng chiến địa
Bà Vũ Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch UBND phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ - cho biết từ năm 2022, phường không còn hộ nghèo; thu nhập bình quân của người dân tăng dần theo từng năm. "Nếu thu nhập bình quân năm 1993 chỉ đạt 2,1 triệu đồng thì đến năm 2023 đã đạt 40 triệu đồng/người, tăng gấp 19 lần" - bà dẫn chứng.
Tại các thôn, bản quanh cứ điểm Độc Lập năm nào - nay thuộc xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, người dân thi đua phát triển sản xuất. Đồi Độc Lập ngày nay được bao bọc bởi những ngôi nhà khang trang của thôn mới có tên là Độc Lập.
Bà Lò Thị Vân, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Nưa, cho hay thu nhập bình quân đầu người trong xã từ 26 triệu đồng năm 2018 đã tăng lên hơn 42 triệu đồng năm 2023. Xã cũng đang xây dựng mô hình các nhóm liên kết sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân.
Mường Thanh là cánh đồng chuyên canh lúa rộng lớn nhất của tỉnh Điện Biên, với diện tích hơn 140 km2. Mường Thanh được bao quanh bởi sông Nậm Rốm và các dãy núi liên hoàn trùng điệp, trải dài từ thị trấn Điện Biên đến các xã: Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Hưng, Thanh Luông và Thanh Nưa.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cánh đồng Mường Thanh đầy dấu tích chiến tranh với hào, hố, xác bom, dây thép gai... Để vực dậy cuộc sống nơi đây, hồi sinh cánh đồng Mường Thanh, cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương đã cùng chung tay vào cuộc chiến mới - san lấp hố bom, mìn, thu gom dây thép gai nhằm khôi phục đời sống và sản xuất.
Theo ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên, để mở rộng diện tích và tăng năng suất cánh đồng từng trù phú nhất vùng Tây Bắc, ngày 3-10-1963, Đảng và Nhà nước quyết định đầu tư xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm.
Sau gần 7 năm xây dựng (1963-1969) với hơn 2.000 Thanh niên xung phong từ Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… cùng đồng bào các dân tộc ở địa phương tham gia, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy vai trò tưới tiêu cho vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc. Diện tích canh tác của cánh đồng Mường Thanh được mở rộng từ 2.000 ha lên khoảng 6.000 ha, thâm canh được 3 vụ/năm (2 vụ lúa, 1 vụ màu), năng suất cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Mường Phăng bừng sáng
Tại xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ - nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, 70 năm sau, các điểm di tích thành phần thuộc di tích chiến trường Điện Biên Phủ đã từng bước được đầu tư, tôn tạo, phục vụ khách tham quan du lịch.
Dẫn chúng tôi lên hồ thủy lợi Loọng Luông rồi chỉ tay về cánh đồng lúa trải dài, xanh ngát phía hạ lưu, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng Lò Văn Hợp kể lại: Với tình cảm dành cho Mường Phăng, ngày 30-9-2008, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị đáp ứng nguyện vọng của người dân về việc xây dựng hồ thủy lợi Loọng Luông.
Cuối năm 2010, dự án hồ thủy lợi Loọng Luông - với dung tích hơn 1 triệu m3, cấp nước tưới cho 150 ha đất trồng lúa - bắt đầu được xây dựng. Sau 2 năm thi công, hồ Loọng Luông hoàn thành và được đưa vào khai thác, mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định cho địa phương.
Trước đây, các bản đồng bào dân tộc Mông như: Loọng Luông 1, Loọng Luông 2, Co Mận, Loọng Háy, Loọng Nghịu vốn đất đai cằn cỗi, chỉ sản xuất được một vụ lúa vì thiếu nước. Từ khi có hồ thủy lợi Loọng Luông, những hạn chế trong sản xuất lúa đã được khắc phục.
Sinh ra, lớn lên, trưởng thành và giờ là người lãnh đạo Mường Phăng, ông Lò Văn Hợp cảm nhận được từng thay đổi, dù nhỏ nhất, ở mảnh đất quê mình. Năm 2011, Mường Phăng bắt đầu xây dựng nông thôn mới với tâm thế là xã có xuất phát điểm rất thấp. Nhưng nay, từng đoàn xe nối đuôi nhau đưa du khách từ mọi miền Tổ quốc đến Mường Phăng, tham quan Sở Chỉ huy chiến dịch năm xưa.
Đường từ TP Điện Biên Phủ vào Mường Phăng đã có 2 tuyến, gồm 1 tỉnh lộ và 1 quốc lộ rộng rãi, khang trang. Dọc trung tâm xã đã có đường đôi với 4 làn xe mới khánh thành, vỉa hè lát đá, hệ thống chiếu sáng, biển báo đầy đủ. Xa xa bên cánh đồng lúa mênh mông là những bản làng với nhiều nhà sàn to, đẹp.
Những năm gần đây, Mường Phăng chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, xã đã xây dựng được 3 bản văn hóa, du lịch cộng đồng, gồm: Che Căn, Khá (dân tộc Thái) và Loọng Luông 2 (dân tộc Mông). Toàn xã có 3 homestay, 10 nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống và trên 30 hộ dân cung cấp dịch vụ lưu trú. Dù mới triển khai song du lịch cộng đồng đã từng bước thu hút du khách, góp phần tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
"Nếu như tỉ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm hơn 42% toàn xã thì nay chỉ còn 0,03% (4 hộ). Mường Phăng phấn đấu hết năm 2024 sẽ không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 3,5 triệu đồng năm 2011 lên 46 triệu đồng năm 2023" - ông Hợp tự hào.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-5
Nhiều thành quả trên mặt trận sản xuất
Ông Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, cho biết sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rất nhiều chiến sĩ Điện Biên đã chuyển sang làm lãnh đạo, công nhân của các nông trường, hợp tác xã..., góp phần quan trọng trong việc xây dựng tỉnh nhà phát triển như hôm nay.
Trong đó, có thể kể đến nhiều thành quả của các chiến sĩ Điện Biên trên mặt trận sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội như: Thương hiệu cà phê Mường Ảng, gạo Sén Cù... Hiện tỉnh có trên 3.000 ha cà phê, các hợp tác xã, tổ sản xuất trồng lúa, cánh đồng Mường Thanh... cũng ghi dấu ấn thành quả lao động của những chiến sĩ Điện Biên.
Bình luận (0)