"Tờ báo này gần gũi với tôi, như một người bạn đến thăm chơi mỗi sáng sớm". Ông Nguyễn Phan mỉm cười hiền hậu khi nhắc đến Người Lao Động - tờ báo mà ông đã đặt mua liên tục suốt 50 năm qua, kể từ những ngày đầu báo ra mắt.
Một phần cuộc sống
Không phải là người nổi tiếng, cũng chẳng phải nhà nghiên cứu hay cán bộ lão thành, ông Nguyễn Phan chỉ là một người lao động bình thường, sống lặng lẽ và giản dị giữa lòng TP HCM náo nhiệt. Thế nhưng, với tình yêu bền bỉ, bằng niềm tin mộc mạc, ông đã trở thành một phần lịch sử sống động của Báo Người Lao Động.
Trong căn nhà ở đường Phan Văn Hân, phường Gia Định, TP HCM, ông Phan kể về hành trình 50 năm làm bạn với Báo Người Lao Động bằng chất giọng trầm ấm. Thỉnh thoảng, ông ngừng lại, như để tìm về một miền ký ức.
Ở tuổi 87, mắt mờ hơn, chân tay đã chậm chạp, nhưng thói quen đọc báo mỗi sáng của ông Phan vẫn không thay đổi. Việc đầu tiên mỗi sáng ông thức dậy là đi đến khe cửa nhà, lấy tờ Người Lao Động còn thơm mùi mực được giao từ tờ mờ sáng. "Tôi thức dậy là phải có báo, như có người bạn đến thăm vậy. Từ những ngày đầu tiên cho đến giờ, tôi luôn đặt Báo Người Lao Động đầy đủ, không bỏ ngày nào" - ông khẳng định.
Quê ở Hà Nội, ông Phan cùng gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp từ những năm 1950, rồi gắn bó với vùng đất này đến nay. Năm 1975, Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất. Giữa hàng loạt tờ báo ra đời trong buổi giao thời, ông Phan chú ý đến cái tên giản dị mà đầy nghĩa tình: Công Nhân Giải Phóng. Đến năm 1990, báo được đổi tên thành Người Lao Động.
Không biết từ lúc nào, mỗi sáng của ông Phan bắt đầu bằng việc đọc Báo Người Lao Động. Đến nay, ông đã sống trọn 50 năm với một thói quen không thay đổi - đọc Người Lao Động, như cách giữ mạch sống gắn liền với người dân lao động, với hơi thở cuộc sống của TP HCM, của đất nước.
Ông Phan ví von Báo Người Lao Động là "bạn sống chung nhà suốt nửa đời người". Ông không hề nói quá khi phần lớn diện tích căn nhà rộng chưa tới 30 m² của ông được dành để chứa sách báo, nổi bật là Báo Người Lao Động. Những thùng carton đựng sách báo được xếp ngay ngắn ở phòng khách, chỉ chừa đủ chỗ một lối đi xuống phòng bếp. Với ông, sách báo không chỉ là giấy mực, thông tin mà còn là ký ức.


Ông Nguyễn Phan lật từng trang Báo Người Lao Động số thường cùng số báo đặc biệt phát hành dịp 30-4-2025
Chân thật, không hoa mỹ, bóng bẩy
Điều gì khiến một người gắn bó bền bỉ với một tờ báo đến vậy? Với ông Nguyễn Phan, đó không chỉ là nội dung tờ báo mà còn là tình cảm.
Ông Phan yêu thích Người Lao Động bởi ngoài việc cung cấp rất nhiều tin tức, tờ báo còn nói đúng những điều ông quan tâm. Trong đó, ông đặc biệt yêu thích các chuyên mục viết về người lao động, chuyện đời thường ở khu công nghiệp, khu chế xuất...
"Không hoa mỹ, không bóng bẩy, báo viết về chị công nhân, anh xe ôm... - những con người bình thường, vất vả, cực nhọc mưu sinh hằng ngày. Đọc những bài phóng sự về người lao động, tôi thấy rất thương. Báo Người Lao Động đã giúp tiếng nói của người lao động vang xa hơn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ" - ông bộc bạch.
Với ông Phan, Báo Người Lao Động còn là "món ăn" tinh thần. Bởi vậy, ông trân quý lưu giữ những số báo đặc biệt hằng năm. Trên bàn nước cũ của ông, vào buổi sáng tôi đến thăm là tờ Người Lao Động số mới nhất vẫn còn nguyên nếp gấp, bên cạnh là số báo đặc biệt phát hành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). Ông vừa lật vừa chỉ tôi xem từng bài trong số báo đặc biệt, rồi tự hào: "TP HCM mình giờ phát triển nhiều rồi".
Ông Phan nhận xét suốt nửa thế kỷ qua, Báo Người Lao Động vẫn giữ được cái chất gần gũi với người dân lao động. Ông đặt niềm tin vào tờ báo, tin tưởng vào đội ngũ những người làm báo, nhất là các phóng viên ngày ngày bám sát đời sống và tâm tư, nguyện vọng của công nhân, xuống tận xưởng, đến tận nhà trọ để ghi lại những câu chuyện chân thật.
"Hình thức tờ báo có thể thay đổi, giấy trắng hơn, in đẹp hơn, chữ rõ hơn nhưng cái tâm làm báo vì người dân lao động thì tôi thấy vẫn như ngày đầu" - ông Phan nhìn nhận.
Thủy chung với báo giấy
Nhiều người nghĩ rằng độc giả trung thành với báo giấy như ông Phan giờ là "của hiếm" trong bối cảnh báo điện tử, các nền tảng mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo đang phát triển chóng mặt. Còn với ông, báo giấy vẫn là "bằng chứng của cuộc sống".
Năm tháng trôi qua, nhiều tờ báo đến rồi đi, nhiều độc giả thay đổi thói quen, song ông Phan vẫn thủy chung, trước sau như một. Tình cảm ông dành cho Báo Người Lao Động không ồn ào nhưng bền bỉ suốt 50 năm - điều mà không phải ai cũng làm được.
50 năm - một nửa thế kỷ - là khoảng thời gian đủ để chứng kiến bao đổi thay: đất nước phát triển, xã hội vận động, báo chí chuyển mình mạnh mẽ. Nhưng cũng trong từng ấy năm, một người đàn ông vẫn lặng lẽ giữ thói quen đọc Báo Người Lao Động như việc không thể thiếu mỗi ngày.
Thói quen tưởng như "lỗi thời" ấy lại trở thành lời nhắc nhở lặng thầm nhưng quý giá rằng, vẫn còn những người đang âm thầm giữ gìn giá trị truyền thống của báo giấy bằng sự tin yêu mỗi ngày. Chính điều đó đã trở thành động lực cho những người làm báo hôm nay tiếp tục viết, dấn thân để từng trang báo luôn mang hơi thở của đời sống đến tay bạn đọc.
Tôi rời nhà ông Phan trong buổi trưa nắng của ngày hè thành phố, mang theo nhiều cảm xúc khó tả. Một sự biết ơn dành cho ông - độc giả trung thành đặc biệt của Báo Người Lao Động; một sự khâm phục trước tình cảm giản dị mà sâu đậm ông dành cho tờ báo. Tôi tự nhủ rằng người làm báo, dù trong bối cảnh nào, cũng phải giữ được cái tâm dành cho bạn đọc, viết vì con người.
Chị Thái Thị Diệu Hiền, nhân viên Phòng Phát hành Báo Người Lao Động, cho biết hằng quý, ông Nguyễn Phan đều đặn đến trụ sở Báo Người Lao Động đóng tiền mua báo. Hình ảnh một cụ ông cần mẫn đón xe ôm đến trụ sở báo khiến nhiều người xúc động và trân trọng.
Nhiều lần, con trai ông Nguyễn Phan ngỏ ý muốn đưa cha về sống cùng để tiện chăm sóc. Ông do dự mãi, chẳng phải vì không muốn gần con cháu mà là lo rằng nơi ở mới không có chỗ cho ông cất giữ sách báo. Thế là ông lại sống một mình, lâu lâu con cháu ghé thăm...
Bình luận (0)