Nhà văn Hồ Phương ra đi để lại nhiều thương tiếc cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
"Khi nghe hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, cháu của nhà văn thông báo, tự nhiên trong tôi hiện lên một vùng cỏ non mênh mông. Có lẽ bởi tác phẩm đầu tiên của ông đã hằn sâu trong ký ức tôi là tác phẩm "Cỏ non" được trích trong sách giáo khoa hồi tôi còn đang đi học" - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xúc động viết : "Hồ Phương là một người lính. Và trong những bước đi của một người lính, ông đã trở thành nhà văn với những tác phẩm nổi tiếng như: Thư nhà, Lá cờ chuẩn đỏ thắm, Cỏ non, Kan Lịch, Những tầm cao, Biển gọi, Chúng tôi ở Cồn Cỏ và nhiều tác phẩm khác.
Lúc nào nghĩ đến ông là trong tôi hiện lên một vùng cỏ non da diết và bất tận với nụ cười đôn hậu của ông. Và với tôi, ông không bay về trời. Ông ở lại mặt đất này trong màu cỏ xanh mãi tận chân trời".
Nhà văn Hồ Phương, tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh ngày 15-4-1930 tại xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông, TP Hà Nội. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.
Thuở nhỏ, nhà văn Hồ Phương đi học ở Hà Nội. Tháng 12-1946, ông gia nhập lực lượng tự vệ Thành Hoàng Diệu, rồi gia nhập quân đội, trở thành "Chiến sĩ Quyết tử" của Thủ Đô sáu mươi ngày đêm khói lửa.
Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà văn trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lịch sử, trong đó có Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, trong đội hình của Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân đội, Đại đoàn 308, sau này là Sư đoàn Quân Tiên phong Anh hùng. Trưởng thành từ người chiến sĩ, Hồ Phương làm phóng viên, cán bộ phụ trách báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308, rồi làm Chính trị viên đại đội.
Nhà văn Hồ Phương qua đời
Năm 1954, ông được cấp trên điều về Tổng cục Chính trị viết văn và tham gia thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông làm phóng viên mặt trận và đi B, rồi Thiếu tướng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau đó một thời gian, ông làm Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Ông đã tham gia Ban Chấp hành Hội nhà văn khóa III.
Trong sự nghiệp văn học của mình, nhà văn Hồ Phương đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó truyện và truyện ngắn có một số tác phẩm như: "Thư nhà" (1948); "Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ" (1956); "Lá cờ chuẩn đỏ thắm" (1957); "Cỏ non" (1960); "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" (1965); "Phía tây mặt trận" (1978); "Ông trùm" (1992)...
Trong đó, truyện ngắn "Cỏ non" của ông đã được trích in vào trong sách giáo khoa văn học, giảng dạy trong nhà trường trong nhiều năm liền.
Nhà văn Hồ Phương là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng như "Những tiếng súng đầu tiên" (1955); "Kan Lịch" (1967); "Những tầm cao" (1974); "Biển gọi" (1978); "Cánh đồng phía Tây" (1994); "Yêu tinh" (2001); "Ngàn dâu" (2002); "Những cánh rừng lá đỏ" (2005); "Cha và con" (2007)...
Ngoài ra, ông còn xuất bản nhiều tập ký, ký sự như "Chúng tôi ở Cồn Cỏ" (1966); "Số phận lữ dù 3 Sài Gòn" (1971); "Đại đoàn đồng bằng" (ký sự in chung 1989); "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng" (ghi chép, 1964)...
Nhà văn Hồ Phương từng nhận nhiều giải thưởng cao quý của Bộ Quốc phòng, Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Công an, Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các tác phẩm "Cỏ non", "Những tầm cao", "Kan Lịch"; "Cánh đồng phía Tây".
Năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật với các tác phẩm "Ngàn dâu", "Những cánh rừng lá đỏ".
Bình luận (0)