Chủ động kinh doanh và nộp thuế
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, lợi ích của cơ chế APA là tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế. Đồng thời, tạo thuận lợi cho công tác hành thu, khai thác hiệu quả bảo vệ nguồn thu trên cơ sở doanh nghiệp đa quốc gia được hưởng ưu đãi đầu tư tiếp cận và khai thác thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ thì phải có đóng góp tài chính với xã hội.
APA có hai hình thức, gồm đơn phương và song phương/đa phương. Trong đó, APA đơn phương được đàm phán và ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam và người nộp thuế đứng đơn đề nghị áp dụng cơ chế này. Còn APA song phương và đa phương được đàm phán, ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam hoặc nhiều cơ quan thuế đối tác có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đứng đơn áp dụng APA trên cơ sở hiệp định thuế. Người nộp thuế được tự xác định và đề nghị hình thức APA là đơn phương, song phương hoặc đa phương, tạo thời điểm nộp hồ sơ đề nghị áp dụng APA chính thức. Trong thời hạn 30 ngày, cơ quan thuế sẽ có văn bản trả lời chấp thuận hoặc không chấp thuận cho người nộp hồ sơ đề nghị áp dụng APA.
Để tránh tình trạng cán bộ thuế và doanh nghiệp bắt tay thỏa thuận giá trước để trục lợi, Luật Quản lý thuế quy định đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai thiếu số thuế phải nộp có thời hiệu xử phạt là 5 năm. Trong quá trình thanh tra, cơ quan thuế phát hiện giá thỏa thuận không theo giá thị trường, doanh nghiệp sẽ bị truy thu thuế 10 năm trở về trước.
Lỗ - lãi bất thường
Theo bà Vũ Thị Mai, chống chuyển giá là nhiệm vụ khó khăn đối với tất cả các quốc gia, không phải vấn đề của riêng Việt Nam. Đối tượng chuyển giá không chỉ có doanh nghiệp FDI mà có cả doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, hành vi này tập trung tại các doanh nghiệp FDI vì có đến 50% doanh nghiệp khai lỗ, trong đó có những doanh nghiệp khai lỗ liên tiếp 3 năm, âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư. Giải thích nghịch lý này, doanh nghiệp cho rằng lỗ là trong ngắn hạn nhưng Việt Nam là thị trường tiềm năng nên tiếp tục đầu tư theo chiến lược kinh doanh. Có địa bàn thu hút đầu tư FDI lớn như Bình Dương, số doanh nghiệp khai lỗ chiếm 50,6% tổng doanh nghiệp FDI đang hoạt động, trong đó có gần 1/3 doanh nghiệp lỗ quá vốn chủ sở hữu. Tại TP HCM, giai đoạn 2006-2010, trong tổng số lỗ của các doanh nghiệp hơn 30.000 tỉ đồng thì 61,3% là doanh nghiệp FDI và phần lớn là doanh nghiệp dệt may. Một cán bộ ngành thuế cho biết doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chỉ thực hiện sản xuất, còn hạch toán giá thành sản phẩm do công ty mẹ tại quốc gia có thuế suất thấp đảm nhận. Hình thức chuyển giá này khá phổ biến, được doanh nghiệp FDI áp dụng hiệu quả tại Việt Nam những năm gần đây.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành làm việc trực tiếp với những doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Theo báo cáo của các bộ, ngành, sau khi thanh tra, kiểm tra thuế hoặc sau những cuộc làm việc trực tiếp này, hiện tượng chuyển giá đã phần nào được chấn chỉnh, nhiều doanh nghiệp đang hạch toán lỗ bất ngờ không còn lỗ nữa hoặc chuyển sang có lãi.
Bình luận (0)