Ông Nguyễn Thế Lữ, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM), từng tham gia vài quỹ với cương vị điều hành. Đến năm 2007, khi tự mình điều hành quỹ riêng là SAM ông mới thấm thía rằng tìm thấy một công ty ở Việt Nam có độ minh bạch là điều rất khó.
Liều thuốc đúng lúc
Độ minh bạch ở đây ít nhất là trong HĐQT mỗi doanh nghiệp. Ở đó phải có các thành viên HĐQT độc lập (tạm gọi tắt là TVĐL). Tuy nhiên, sau quá trình tìm kiếm, ông chỉ thấy nhiều doanh nghiệp sử dụng người thân trong ban này. Có nơi những thành viên trong ban quản trị chỉ toàn ủy quyền chứ không đi họp bao giờ. Bởi vậy, Thông tư 121 quy định về quản trị công ty của Bộ Tài chính ban hành năm 2012 là liều thuốc đúng lúc, làm mát lòng những nhà đầu tư nước ngoài như ông. Theo quy định này, số TVĐL ở các công ty niêm yết phải trên 1/3.

TVĐL thường là những người giám sát hoạt động của ban điều hành, cố vấn chiến lược và hỗ trợ những kinh nghiệm khác. Theo ông Lữ, họ cũng có vai trò phản biện và tiếng nói của họ phải có “trọng lượng”. Bởi lẽ, nếu mình nắm hết quyền lực và có thể chi phối ban quản trị thì nhiều lúc mình cũng không dám chắc quyết định mình đưa ra là đúng hay sai. Thông tư 121 có hiệu lực từ tháng 9-2012 nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn khá lúng túng trong việc tìm người. Nhiều doanh nghiệp đã gửi đơn lên Ủy ban Chứng khoán xin giãn thời hạn thực hiện trong năm 2013 với lý do khó tìm.
Hiểu sai vai trò thành viên độc lập?
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty Cơ Điện lạnh (REE), nói rằng tìm TVĐL không khó, hoàn toàn có thể tìm trên thị trường chất xám. Họ cần được trả thù lao xứng đáng. REE đang tìm TVĐL theo lĩnh vực phát triển của công ty để có thành phần HĐQT trở nên hoàn hảo. REE quan tâm vấn đề kiểm toán nội bộ và kiểm soát rủi ro nên TVĐL sẽ đảm trách vai trò đó.
Bình luận (0)