Ngân hàng (NH) Nhà nước đã quyết định tăng tỉ giá liên NH từ 18.932 đồng lên 20.693 đồng/USD, đồng thời giảm biên độ tỉ giá từ ±3% xuống ±1%, áp dụng từ hôm qua (11-2). Như vậy, tỉ giá liên NH đã tăng 9,3%.
Kiểm đếm USD tại Eximbank. Ảnh: HỒNG THÚY
Cạnh tranh giá mua
Theo NH Nhà nước, quyết định điều chỉnh tỉ giá nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và tăng tính thanh khoản của thị trường ngoại hối. NH Nhà nước sẽ chủ động điều hành tỉ giá bình quân liên NH linh hoạt trong thời gian tới, phù hợp với tình hình cung cầu ngoại tệ, góp phần kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ chủ động hơn. Với biên độ ±1%, cùng với sự linh hoạt trong điều hành, tỉ giá này sẽ có những thay đổi theo sát thị trường ngoại tệ.
Sau khi thông tin trên được công bố, lúc 9 giờ ngày 11-2, phần lớn các NH thương mại đồng loạt niêm yết giá bán ngoại tệ hết biên độ cho phép với mức tăng 1.400 đồng/USD. NH Ngoại thương Chi nhánh TPHCM (VCB-HCM) bán ra 20.890 đồng/USD, mua vào 20.850 đồng/USD. NH Á Châu (ACB) bán ra 20.900 đồng/USD, mua vào ngang bằng với VCB-HCM. NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) bán ra với giá tương tự nhưng giá mua vào thấp hơn ACB và VCB-HCM từ 10-20 đồng/USD. Giá mua bán USD của nhiều NH khác cũng không có sự khác biệt. Tuy vậy, đến đầu giờ chiều, các NH có biểu hiện đua tăng giá thu mua USD. Eximbank tăng thêm giá mua vào 30 đồng/USD. ACB nâng giá thu mua lên 20.895 đồng/USD, thấp hơn giá bán ra chỉ 5 đồng/USD...
Trên thị trường ngoại tệ tự do, lúc 9 giờ, các chủ tiệm vàng mua vào 21.400 đồng/USD, bán ra 21.450 đồng/USD, tăng 80 đồng/USD. Thế nhưng tại thời điểm này, sức mua USD có dấu hiệu tăng, lập tức giới kinh doanh ngoại tệ tăng thêm giá bán ra 150 đồng/USD lên mức 21.600 đồng/USD. Nếu tính tại thời điểm 11 giờ ngày 11-2, tỉ giá VNĐ/USD tự do cao hơn tỉ giá của NH 700 đồng/USD (trước đó cao hơn 1.500 -2.000 đồng/USD). Do tỉ giá VNĐ/USD tự do tăng mạnh nên giá vàng trong nước cũng tăng 200.000 đồng/lượng so với hôm trước, tái lập mức 36 triệu đồng/lượng bất chấp giá vàng thế giới giảm từ 1.364 USD/ounce xuống còn 1.360 USD/ounce (lúc 12 giờ ngày 11-2).
Giao dịch bằng USD tại Eximbank. Ảnh: Hồng THÚY
Chuyển vốn sang ngoại tệ: Bất lợi!
Tuy tỉ giá biến động nhưng người dân mua bán ngoại tệ không nhiều. Tại Hà Nội, một số đầu mối ngoại tệ cho biết khách hàng chỉ mua từ 3.000-5.000 USD/người, không có khách hàng nào đặt mua vài trăm ngàn USD.
Giới phân tích cho rằng khi tỉ giá của NH tăng lên, thị trường ngoại tệ ngoài NH thường có phản ứng nhất định. Tỉ giá VNĐ/USD tự do sẽ tăng mạnh nhưng sau đó vài ngày sẽ giảm cho đến khi giá USD tự do cao hơn NH khoảng 200 – 300 đồng/USD sẽ dừng lại. Bởi tỉ giá của NH tăng lên sẽ làm nguồn cung USD của NH tăng, từ đó giảm cầu USD trên thị trường tự do. Vì thế, thời điểm này người dân chuyển vốn sang USD xem ra bất lợi.
Theo các NH, tỉ giá tăng lên sẽ kích thích doanh nghiệp bán USD cho NH, chấm dứt tình trạnh giao dịch USD lòng vòng, triệt tiêu gánh nặng hạch toán chi phí ngoại tệ cho bên bán lẫn bên mua, mọi giao dịch USD sẽ được hợp thức hóa. Một lãnh đạo của NH Đại Tín cho rằng chênh lệch về tỉ giá trong và ngoài được thu hẹp dần sẽ làm cho hoạt động của các NH minh bạch hơn, tăng niềm tin của người dân đối với hệ thống NH.
PGS-TS Trần Huy Hoàng, Trưởng khoa Ngân hàng trường ĐH Kinh tế TPHCM:
Ảnh hưởng không nhiều đến lạm phát
Mục đích của việc điều chỉnh tỉ giá liên NH là để NH Nhà nước xóa bỏ cơ chế hai tỉ giá hiện đang tồn tại ở các NH thương mại. Tuy nhiên, khi tỉ giá tăng, giá cả hàng hóa sẽ biến động bởi một số mặt hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được tính theo tỉ giá 20.900 đồng/USD, trong khi tỉ giá cũ chỉ 19.500 đồng/USD. Bù lại, các doanh nghiệp xuất khẩu có thêm điều kiện để tăng nguồn thu USD, tăng cung ngoại tệ cho các NH, kéo tỉ giá trong và ngoài NH ngày càng xích lại gần nhau, xóa bỏ tâm lý kỳ vọng tỉ giá tăng của người dân nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Việc thuế suất hàng hóa nhập khẩu được tính trên cơ sở tỉ giá liên NH cũng ảnh hưởng không nhiều đến chi phí của doanh nghiệp. |
Bình luận (0)