Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có ý kiến về tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng (NH) Việt Nam, trong đó cho rằng diễn biến nợ xấu đã có dấu hiệu khả quan do thực hiện các biện pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng cũng như cơ cấu nợ cũ.
Nợ xấu cao nhất chỉ 9%?
Tổ chức Định hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s đánh giá, ước tính tài sản có vấn đề trong hệ thống NH Việt Nam sẽ chiếm ít nhất 15% trên tổng dư nợ, vượt đáng kể so với tỉ lệ nợ xấu 4,7% như NHNN Việt Nam công bố hồi tháng 10-2013. Thậm chí, cũng theo nhận định của của cơ quan đánh giá tín dụng lớn nhất thế giới này thì rất khó có hi vọng về nguồn vốn của các NH Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể và sâu rộng trong vòng 12-18 tháng tới. Với nguồn vốn hiện tại, các NH chưa thể bù đắp cho các thua lỗ tiềm tàng xuất phát từ sự yếu kém của chất lượng tài sản. Hơn nữa, việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm xử lý nợ xấu vẫn chưa trực tiếp giải quyết được tình trạng thiếu vốn trong các NH.
Tuy nhiên, theo NHNN, những số liệu dự báo nêu trên chỉ có ý nghĩa tham khảo do chưa có chuẩn mực thống nhất về phân loại nợ nên các cơ quan, tổ chức có thể đưa ra các số liệu nợ xấu không giống nhau. NHNN cho biết theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống NH Việt Nam tăng từ 4,08% (cuối 2012) lên 4,73%/ vào tháng 10-2013, và đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng vào cuối tháng 12-2013. Điểm đáng lưu ý, theo nhận định của NHNN, nếu tính cả những tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu tăng trở lại thì tỉ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%, thấp hơn nhiều so với đánh giá của Moody’s (?)
Bất động sản vẫn đe dọa nổ bất cứ lúc nào
Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng nhìn nhận năm 2014, hệ thống NH vẫn phải đối mặt với “bóng ma” của nợ xấu khi thực hiện Thông tư 02/2013. Thực tế, “quả bóng” bất động sản vẫn đe dọa nổ bất cứ lúc nào, số doanh nghiệp (DN) có thể hấp thụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh là không nhiều. “Trong số 30 công ty vốn hóa lớn nhất thị trường thì các DN ngành NH và bất động sản chiếm đa số. Đây cũng là những DN được nhìn nhận là sẽ gặp khó khăn trong năm 2014” - ông Hưng nhận định.
NHNN cũng thừa nhận trong bối cảnh sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản sẽ chậm phục hồi và khả năng trả nợ của khách hàng vay còn yếu thì áp lực tăng nợ xấu là rất lớn. Biện pháp cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thực sự có ý nghĩa hỗ trợ cho DN trong việc tiếp tục được vay vốn NH với lãi suất hợp lý hơn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu tăng trở lại nếu kinh tế vĩ mô và điều kiện sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản chậm được cải thiện.
Tỏ ra lo ngại về giải pháp xử lý nợ xấu của NHNN, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, cho rằng việc phân loại, cơ cấu nợ xấu thực chất là che giấu bản chất của các khoản nợ, phản ánh không đúng thực trạng nợ xấu. “Khách hàng được đánh giá là có khả năng trả nợ thì sẽ được gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ; nhưng việc đánh giá này cũng hết sức chung chung. Đây có thể là rủi ro lớn” - ông Hải nói.
Đã cơ cấu 300.000 tỉ đồng nợ xấu
Tính đến thời điểm cuối năm 2013, tổng số nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại khoảng 300.000 tỉ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ, trong đó có khoảng 60% các khoản nợ nếu không cơ cấu lại thì đã trở thành nợ xấu. Nếu không thực hiện giải pháp này thì nợ xấu đã tăng thêm trên 6%.
Bình luận (0)