Nỗ lực vận dụng các bằng chứng hóa thạch ít ỏi, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã thành công trong việc tái tạo khuôn mặt pháp y của cá thể Người Rồng được khai quật tình cờ vào năm 1933.
Theo Sci-News, hóa thạch loài người này đã được phát hiện trong quá trình xây dựng một cây cầu ở TP Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang - Trung Quốc.
Gần 9 thập kỷ sau, một nghiên cứu được công bố năm 2021 đã xác định phần hài cốt thuộc về một loài chưa từng được biết đến trước đó của chi Homo (chi Người), tức cùng chi với người tinh khôn Homo sapines chúng ta.
Loài người mới được đặt danh pháp khoa học là Homo longi, một cái tên mang dấu ấn của tỉnh Hắc Long Giang - nơi tìm thấy hóa thạch. Loài này cũng được đặt cho một cái tên ngắn gọn hơn là Người Rồng.
Các phân tích cho thấy cá thể Người Rồng này là một người đàn ông qua đời khi chưa được 50 tuổi. Việc xác định niên đại cho thấy ông sống vào 149.000 năm trước.
Theo nhà nghiên cứu Cicero Moraes - chuyên gia người Brazil chuyên phục dựng chân dung những hài cốt cổ đại, đặc điểm đáng chú ý nhất của Người Rồng là hộp sọ to lớn hơn hộp sọ của hầu hết những loài người cổ xưa đã biết.
Một trong những phần khó khăn nhất là cố tái tạo hình dạng hàm và răng, vốn không tồn tại trên hóa thạch được khai quật ở Cáp Nhĩ Tân.
Dữ liệu chụp CT hộp sọ một số loài gần gũi, bao gồm Homo erectus, Homo sapiens và Pan troglodytes (hắc tinh tinh), đã được sử dụng nhằm đối chiếu, bổ sung những khiếm khuyết để cho ra kết quả cuối cùng.
Các kết quả vừa được công bố trực tuyến trên tạp chí OrtogOnLineMag.
Theo nhiều nghiên cứu từng được công bố, vào thời điểm Homo sapiens chúng ta xuất hiện trên địa cầu, thế giới có ít nhất 8-9 loài khác cùng thuộc chi Homo.
Họ đều đã tuyệt chủng do không thích nghi với một giai đoạn nào đó của môi trường sống. Tuy vậy, ít nhất hai loài người cổ Neanderthals và Denisovans đã để lại dòng máu trong chúng ta, thông qua các cuộc hôn phối khác loài vài chục ngàn năm trước.
Bình luận (0)