Sau 1 tuần, bão số 3 với sức càn quét kinh hoàng đổ bộ vào một số tỉnh, thành phía Bắc, Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục thiệt hại, đưa cuộc sống trở lại bình thường, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên mà bão số 3 đổ bộ vào trưa 7-9 và chịu ảnh hưởng nặng nề do hoàn lưu của cơn bão này gây ra. Đến nay, toàn tỉnh có 25 người chết, hàng chục ngàn hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại về nhà cửa. Với tinh thần vượt lên sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chỉ đạo toàn tỉnh nỗ lực khắc phục hậu quả.
Tại Phú Thọ, bên cạnh nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích sau sự cố sập cầu Phong Châu, lực lượng quân đội dọn dẹp bến phà để chuẩn bị lắp cầu phao tạm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Về lâu dài, UBND tỉnh Phú Thọ kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với quy mô hiện đại, đồng bộ với tuyến Quốc lộ 32C và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Yên Bái, Tuyên Quang cũng là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do đợt mưa lũ, thiên tai từ bão số 3 gây ra. Sau khi nước lũ rút, 2 địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả, bằng việc nhanh chóng vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, hỗ trợ nhân dân sản xuất, sinh hoạt ổn định cuộc sống.
Với Hà Nội, sau khi nước sông Hồng rút, người dân các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình… tất bật dọn dẹp. Trong 2 ngày 14 và 15-9, TP Hà Nội phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão. Ủy ban MTTQ TP Hà Nội kêu gọi nhân dân thủ đô chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất để những người dân bị ảnh hưởng do bão nhanh chóng khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Trong những ngày này, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đang hướng về miền Bắc. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách" một lần nữa được phát huy. Đó là nguồn động viên, sức mạnh to lớn để đồng bào chịu thiệt hại do bão lũ vượt qua mất mát, khó khăn.
Bình luận (0)