Ngày 30-8, Cục QLTT tỉnh Kon Tum đã có kết quả kiểm tra chiếc xe tải mà tài xế trình báo bị mất sau khi làm việc với lực lượng QLTT.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục QLTT Kon Tum, việc thực hiện phối hợp, tạm giữ phương tiện là thẩm quyền thuộc các đội, khi có tin trình báo.
Từ tin báo của quần chúng, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Kinh tế - Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum để thực hiện việc dừng xe, kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm hành chính.
Do đó, tối 26-8, lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, cảnh sát giao thông dừng chiếc xe nêu trên để kiểm tra.
Bà Trần Thị Bình, Đội phó Đội QLTT số 1, cho biết khi dừng xe đã đọc quyết định khám xe cho tài xế nghe. Tuy nhiên, tài xế không chấp hành xuất trình giấy tờ, có biểu hiện chống đối lực lượng chức năng.
Về lý do tại sao không tiến hành khám phương tiện ngay tại vị trí dừng xe mà phải đưa đi nơi khác, bà Bình giải thích do vị trí dừng xe tại đầu đường tránh TP Kon Tum. Đoạn đường này trời tối rất nguy hiểm nên đã yêu cầu đưa xe về trụ sở của Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Kon Tum để kiểm tra hàng hóa.
Trước khi đưa xe về, các lực lượng đã cử người ký vào các giấy để dán lên xe. "Việc này nhằm mục đích để đảm bảo không mất tài sản trong xe" – bà Bình nói.
Đến chiều 29-8, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan chức năng khám xe tải chở hàng tại trụ sở Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Kon Tum. Thời điểm khám xe, tài xế xe chở hàng không có mặt nên đã mời một cán bộ phường Duy Tân đến chứng kiến vụ việc.
Về việc giữ xe từ đêm 26-8 nhưng đến ngày 29-8 mới khám thì bà Trần Thị Bình nói "do sau khi tạm giữ, đội bận nhiều việc nên chưa tổ chức khám xe".
Về việc chỉ đọc mà không giao quyết định khám xe cho tài xế, bà Bình giải thích: "Do lúc đó trời tối, khi đưa xe về trụ sở Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Kon Tum khám xét sẽ cung cấp cho tài xế 1 bản, tuy nhiên tài xế không chấp hành".
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thăng (trú tại tỉnh Đắk Lắk), tài xế điều khiển xe tải nêu trên, cho hay tối 26-8, sau khi bị dừng xe thì lực lượng QLTT đọc quyết định khám xe nhưng không được xem hay giữ một bản quyết định này. Do đó, ông quyết không cho khám phương tiện.
"Khi chúng tôi thấy dán giấy lên xe để "niêm phong" thì không đồng ý, gỡ ra thì liền bị khống chế, gọi Cảnh sát 113 tới bắt đưa lên công an phường để làm việc" - ông Thăng kể lại.
Đến khoảng 2 giờ ngày 27-8, Công an phường Ngô Mây thả ông Thăng cùng một tài xế khác là Nguyễn Nhật Trường về, sau khi không phát hiện dấu hiệu tội phạm.
Khi quay lại vị trí bị dừng xe để xử lý, ông Thăng và ông Trường không thấy chiếc xe tải do mình điều khiển đâu. Nghi ngờ xe bị mất, hai ông đã quay lại Công an phường Ngô Mây trình báo. Sau đó, xác định chiếc xe đang ở số 33 Tạ Quang Bửu, phường Duy Tân, TP Kon Tum, do Đội QLTT số 1 đưa về để làm việ nên công an đã hướng dẫn 2 tài xế liên hệ với lực lượng QLTT để làm việc.
Khám phương tiện phải có chủ xe, người chứng kiến
Theo một cán bộ QLTT, để thực hiện khám xét, tạm giữ phương tiện thì lực lượng này phải cung cấp các giấy tờ liên quan là quyết định khám, biên bản khám phương tiện; quyết định tạm giữ, biên bản tạm giữ, biên bản niêm phong. Các giấy tờ trên phải được cung cấp cho các bên liên quan, mỗi bên một bản.
Khi tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính phải có mặt chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vận tải và 1 người chứng kiến. Trong trường hợp chủ phương tiện, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vắng mặt thì phải có ít nhất 1 người chứng kiến.
Bình luận (0)