Theo thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục được phân thành 4 nhóm, gồm: lãnh đạo quản lý; chuyên môn nghiệp vụ; chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ.
"Tụt hạng" xuống... nhóm 4
Vị trí việc làm của nhân viên y tế học đường trước đây thuộc nhân viên trong cơ quan nhà nước. Theo quy định mới, nhân viên y tế học đường không còn thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thuộc nhân viên hợp đồng tùy theo nhu cầu của đơn vị. Vị trí việc làm của nhân viên y tế học đường sẽ chuyển vào nhóm 4 - hỗ trợ, phục vụ (gồm nhân viên y tế, bảo vệ, lao công).
Quy định này khiến các nhân viên y tế học đường tâm tư bởi nhiều người có bằng cấp chuyên môn đầy đủ, từ điều dưỡng đến y sĩ, chứng chỉ hành nghề y.
Thực tế, nhân viên y tế trường học phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Họ phải trực hằng ngày tại trường để phòng học sinh xảy ra tai nạn, thương tích. Tại các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú, họ phải đến sớm để tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm, lưu mẫu... Nhân viên y tế phải theo dõi sức khỏe, biểu đồ tăng trưởng, chỉ số BMI của học sinh để xây dựng và thay đổi phương án bảo đảm dinh dưỡng phù hợp, giám sát vệ sinh môi trường học đường, phòng chống dịch bệnh... Việc có bằng đại học, cao đẳng nhưng xếp vào nhóm cùng với bảo vệ, lao công khiến nhân viên y tế băn khoăn vì thiệt thòi.
Theo thống kê, cả nước có trên 40.400 cơ sở mầm non và giáo dục phổ thông, trong đó hơn 25% không có nhân viên y tế. Đây là tỉ lệ rất lớn, ảnh hưởng đến việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Trong khi đó, các bệnh trong lứa tuổi học đường đang gia tăng, nhất là cong vẹo cột sống, cận thị, răng miệng, giun sán, cúm, tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết...
Một nhân viên y tế đang làm việc tại một trường THCS đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho hay dù được đào tạo ngành y chính quy nhưng chế độ tiền lương của chị lại thấp hơn đồng nghiệp đang làm việc tại các cơ sở y tế.
"Bản thân công tác trong ngành giáo dục nhưng lại không được hưởng phụ cấp như ngành giáo dục do đặc thù công việc, chúng tôi rất thiệt thòi" - chị bày tỏ.
Đã khó càng thêm khó!
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục cho rằng quy định nêu trên khiến việc tuyển đội ngũ nhân viên y tế trường học tại TP HCM đã khó nay càng thêm khó. Trong khi đó, nhân viên y tế là vị trí không thể thiếu trong trường học.
Thực tế tại TP HCM, UBND thành phố đã nhiều lần kiến nghị được tuyển dụng viên chức vào vị trí y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Bởi lẽ, theo đánh giá, việc không cho phép thực hiện tuyển dụng viên chức vào vị trí này ở trường học đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động, công tác của các cơ sở GD-ĐT.
Từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP HCM đã yêu cầu tạm dừng tuyển viên chức làm công tác y tế, kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Tuy nhiên, do những khó khăn, thiếu hụt về nhân sự thực hiện nhiệm vụ y tế, kế toán, từ năm 2017, UBND TP HCM đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại việc tạm dừng tuyển dụng 2 vị trí này nhưng đến nay chưa được chấp thuận.
Do vậy, các cơ sở giáo dục công lập phải ký hợp đồng lao động trong thời hạn 1 năm để thực hiện nhiệm vụ y tế, tài chính, kế toán. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng này không còn phù hợp theo quy định mới.
Từ năm 2015 đến nay, các trường học tại TP HCM gặp muôn vàn khó khăn khi không có định biên y tế, kế toán và thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt, chắp vá ở 2 vị trí này, nhất là nhân viên y tế. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 4 cho hay hầu hết mọi người đều phải kiêm nhiệm thêm công việc dù không có chuyên môn. "Có giai đoạn cao điểm, như thời gian dịch COVID-19 vừa qua, hiệu trưởng, hiệu phó phải kiêm nhiệm luôn công tác y tế" - ông dẫn chứng.
Không có nhân viên y tế nên nhiều trường học phải ký hợp đồng theo cách "ăn xổi ở thì". Ông Lưu Hồng Uyên - Trưởng Phòng GD-ĐT quận 6, TP HCM - cho biết các trường đều phải ký hợp đồng để giải quyết các công việc. Theo ông, các nhân viên phải kiêm thêm nhiệm vụ y tế phần lớn không có chuyên môn.
"Trong khi đó, mỗi lớp có sĩ số 40-45 học sinh, mỗi trường khoảng trên 30 lớp. Nhân viên không có chuyên môn sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh, mà việc này vô cùng quan trọng" - ông Uyên băn khoăn.
TP HCM hiện có hơn 1,7 triệu học sinh nhưng theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, năm 2022, trong số hơn 1.000 trường công lập chỉ có 7 bác sĩ. Số nhân viên có trình độ chuyên môn y tế cũng chỉ chiếm gần 40%; 60% còn lại không có trình độ chuyên môn y tế, đa phần là nhân viên văn thư, kế toán... kiêm nhiệm.
Tuyển mới sẽ theo quy định mới
Trong Thông tư 19/2023 (hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông), Bộ GD-ĐT đã quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ nhân viên y tế trường học được tuyển dụng trước ngày 15-2-2023.
Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên y tế trường học tuyển mới sau ngày 15-2-2023 - thời điểm Thông tư 12/2022 của Bộ Nội vụ (quy định "y tế học đường" được xếp vào danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ) có hiệu lực - sẽ phải thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động.
Bình luận (0)