Các giải vô địch quốc gia ở châu Âu vừa kết thúc, đấu trường ba cúp lập tức nóng bỏng trong nhiều ngày qua, nhất là với các CLB tại các nước khác nhau nhưng có chung chủ sở hữu.
Man United là một ví dụ khi họ vô địch FA Cup, trên nguyên tắc sẽ được tham dự Europa League mùa tới nhưng phải đối mặt với nguy cơ bị "trục xuất" khỏi giải đấu này.
Nguyên do từ việc tỉ phú Jim Ratcliffe - người sở hữu lượng cổ phần 27,7% và nắm quyền điều hành hoạt động bóng đá của Man United - cũng là chủ sở hữu của Nice, đội bóng đang chơi ở Ligue 1, giải vô địch quốc gia Pháp. UEFA có quy định hai hoặc nhiều đội bóng có chung chủ sở hữu và chủ nắm số lượng cổ phần lớn hơn 30% tại mỗi CLB thì các đội bóng ấy sẽ không được thi đấu ở cùng cấp độ cúp châu Âu.
Quy định này nhằm giảm thiểu tối đa khả năng các đội bóng cùng chủ sở hữu sẽ dàn xếp, hoặc bắt tay nhau để có kết quả tốt.
Nếu áp dụng nguyên tắc này, Man United sẽ phải "xuống" chơi ở Europa Confefrence League vì chỉ xếp hạng 8 ở giải Ngoại hạng Anh trong khi Nice đứng thứ 5 tại sân cỏ nước Pháp.
Man City cũng chung hoàn cảnh khi City Football Group là công ty "mẹ" của Girona, đội bóng xếp hạng 3 La Liga (Tây Ban Nha) và giành suất tham dự Champions League mùa tới.
Nếu đẩy Girona xuống chơi ở Europa League theo quy định này quả thực quá "sốc" với đội bóng tỉnh lẻ mới lần đầu tiên chạm tay đến suất dự cúp châu Âu.
Làm thế nào để giữ được tính tôn nghiêm của UEFA, bảo đảm sức thu hút của các cúp châu Âu với sự góp mặt của các đội bóng lớn đồng thời hài hòa quyền lợi của các đội bóng khi các doanh nghiệp cùng sở hữu nhiều đội bóng đang là xu hướng chủ đạo trên toàn thế giới, những điều cần làm của UEFA thực sự không nhỏ.
Theo nhật báo Times, UEFA và Ban kiểm soát tài chính câu lạc bộ (CFCB) trực thuộc tổ chức này dự định sẽ đưa ra phán quyết về quyền sở hữu đa câu lạc bộ trong ngày 3-6, theo đó, cho phép cả Man United và Man City thi đấu ở ba cúp châu Âu như các câu lạc bộ cùng chủ sở hữu với họ, miễn là đáp ứng một số điều kiện nhất định.
UEFA dự định sẽ chấp thuận cho cả hai đội bóng thành Manchester thi đấu cùng với các câu lạc bộ "chị em" của họ cùng một giải cúp châu Âu trong mùa bóng tới, miễn là Nice và Girona được vận hành theo nguyên tắc quản lý "Ủy thác ẩn danh" (blind trust) bởi một hội đồng được UEFA phê duyệt.
Đây là mô hình đã được AC Milan và Toulouse sử dụng trong mùa giải vừa qua khi cả hai đều thuộc sở hữu của doanh nghiệp Red Bird Capital.
Tuy nhiên, nguyên tắc quản lý "Ủy thác ẩn danh" sẽ không phải là giải pháp lâu dài dành cho các đội chung chủ sở hữu mà chỉ gói gọn ở mùa giải 2024-2025, bởi trong tương lai, quy định sở hữu nhiều câu lạc bộ của UEFA có thể được thay đổi ở từng mùa giải.
Công ty mẹ của Man City, tập đoàn City Football Group (CFG) là chủ sở hữu lớn nhất của Girona FC. CFG mua lại 44,3% cổ phần năm 2017 và tăng lên 47% vào năm 2020.
Các cổ đông khác bao gồm doanh nhân người Mỹ gốc Bolivia Marcelo Claure (35%), Girona Football Group (thuộc quyền quản lý của Pere Guardiola, anh trai HLV Pep Guardiola - 16%) và các nhà đầu tư thiểu số (2%).
CFG sở hữu một số câu lạc bộ bóng đá trên khắp thế giới, bao gồm Club Atletico Torque (Uruguay), New York City FC (Mỹ), Melbourne City (Úc), Girona (Tây Ban Nha), Mumbai City (Ấn Độ), Sichuan Jiuniu (Trung Quốc), Yokohama Marinos (Nhật Bản) và Man City (Anh).
Bình luận (0)