xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tận tâm, tận lực vì đất nước, vì nhân dân

LÊ VĨNH thực hiện

Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - đã nhận xét như vậy về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

* Phóng viên: Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho đất nước ta nhiều bài học quý giá qua nhiều tác phẩm. Ông ấn tượng nhất với tác phẩm nào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

- Ông PHẠM CHÁNH TRỰC: Tôi đặc biệt quan tâm đến cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi cho rằng cuốn sách này rất cần thiết cho cán bộ, đảng viên và cho cả nhân dân ta trong điều kiện đất nước đang thực hiện đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông PHẠM CHÁNH TRỰC

Ông PHẠM CHÁNH TRỰC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Thông qua tác phẩm, Tổng Bí thư đã khẳng định cho cả trong nước và thế giới biết rằng Việt Nam vẫn luôn kiên trì, kiên định theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Trong mấy chục năm qua và nhất là giai đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì công việc của Đảng thì đất nước ta phát triển tốt. Chúng ta phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, thế mạnh, tiềm lực của con người để đưa đất nước phát triển.

Là người đứng đầu của Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã huy động được trí tuệ tập thể và cùng với tập thể đưa ra nhiều quyết sách, chủ trương quan trọng; nhiệt huyết, tận tâm, tận lực, cùng với tập thể điều hành công việc của đất nước, đưa đất nước vượt qua khó khăn.

* Nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không thể không nhắc đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Ông có cảm nhận gì về công tác này của Đảng ta trong thời gian qua?

- Tình trạng trong Đảng, trong Nhà nước ta có những biểu hiện tiêu cực, suy thoái, lãng phí và tham nhũng là điều rất đau lòng, rất đáng trách. Tình trạng này cũng xuất hiện từ những năm 2005-2007 với những vụ án tham nhũng, tiêu cực rất lớn. Đảng ta cũng đã có những chủ trương từ sớm nhằm đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng cũng phải nói rằng công tác này vẫn còn thiếu tập trung.

Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư thì công tác này được thực hiện quyết liệt hơn và có những kết quả rất cụ thể, quan trọng. Nhiều vụ việc đã được phanh phui, nhiều cán bộ đã bị xử lý bởi những hành vi sai trái của mình. Phải nói rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có công đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Công tác này đã được thực hiện rất mạnh mẽ và chính ông đã khơi dậy cuộc đấu tranh này.

* Vậy theo ông, trong thời gian qua, hiệu quả lớn nhất mà công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang lại là gì?

- Tham nhũng, tiêu cực để lại những mất mát quá lớn. Nếu không giải quyết sẽ làm hư hỏng ở ngay trong nội bộ Đảng. Nguy hiểm hơn là làm mất niềm tin vào Đảng của nhân dân. Do đó, có sai lầm, khuyết điểm thì phải sửa sai, nếu nặng đến mức vi phạm pháp luật thì phải nghiêm trị, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên ở cấp cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, vào ngày 10-11-2013. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, vào ngày 10-11-2013. Ảnh: TTXVN

Nhờ hành động quyết liệt, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đã đạt được những kết quả rõ ràng, cụ thể. Điều này tác động thiết thực đến việc chấn chỉnh nội bộ của Đảng, chấn chỉnh cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Quan trọng nhất là đã củng cố niềm tin vào Đảng của nhân dân ta. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta vẫn còn lâu dài. Do đó, toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta phải phát huy những mặt tích cực, những tấm gương điển hình để động viên, cổ vũ tinh thần cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tham gia tích cực hơn nữa công tác này.

* Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo ông, trong giai đoạn này, đội ngũ lãnh đạo của Đảng và nhân dân ta cần làm gì?

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại niềm thương tiếc trong rất nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Ông ra đi khi vẫn còn đang điều hành công việc của Đảng, nhất là việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Theo tôi, để bù đắp vào sự mất mát to lớn này, ngay từ bây giờ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết, nhất trí. Đồng thời, đội ngũ lãnh đạo của trung ương, Bộ Chính trị phải nỗ lực hơn, cố gắng hơn để gánh vác những công việc còn dở dang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây cũng là truyền thống của dân tộc ta - luôn đoàn kết, nỗ lực, kế thừa và phát huy những thành tựu mà thế hệ đi trước đã để lại. Từ đó, đưa đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Qua đó, xây dựng đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dù rất thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng chúng ta phải xác định cần tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, không sao lãng, suy giảm ý chí của mình. Tiếp tục đoàn kết để tạo ra sức mạnh tổng hợp, phát huy trí tuệ tập thể trong xây dựng và phát triển đất nước. 

Ông Phạm Chánh Trực khẳng định: "Với vai trò là người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quyết tâm cao độ, dám xông pha, đương đầu với những khó khăn, thậm chí là phức tạp; động viên cả tập thể nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Sống giản dị, gần gũi

Ông Ngô Bá Dục (82 tuổi; trú tại làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là bạn học cùng lớp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chia sẻ ông cùng Tổng Bí thư học từ cấp 1 đến cấp 3, nên anh em thân nhau, rất hợp tính nhau. Khi còn đi học, Tổng Bí thư là người thông minh, cẩn thận, chữ nghĩa rất đẹp.

Ông Ngô Bá Dục

Ông Ngô Bá Dục

Theo ông Dục, thời điểm đó vất vả là thế song Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng ông vẫn chăm chỉ, kiên trì, được các thầy cô nhớ đến. Thời điểm đó thành tích của Tổng Bí thư rất nổi bật, sau cấp 3 đã đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp và ông đỗ Đại học Sư phạm.

Ông Ngô Bá Dục cho biết thêm khi công tác, giữ những nhiệm vụ quan trọng, ông và Tổng Bí thư vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp. Nhiều sự kiện họp lớp, chia tay thầy cô, bạn bè, Tổng Bí thư vẫn có mặt. "Anh Trọng rất dân dã, có lần họp lớp anh ấy đã là Bí thư Hà Nội nhưng vẫn bắt xe ôm ra tận nhà nổi ở Hồ Tây để gặp các bạn. Lúc đó, giám đốc nhà nổi ở Hồ Tây thấy cũng hoảng lên, bảo có chuyện gì nhưng anh Trọng bảo chỉ họp lớp bình thường chứ không có chuyện gì" - ông Dục kể lại.

Ông Dục kể tiếp năm 2000 mẹ ông mất ở làng Lại Đà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng về thăm viếng, chia buồn cùng gia đình. Tổng Bí thư rất chu đáo, anh em có việc đều giúp đỡ rất nhiệt tình, đến nơi đến chốn. "Nghe tin anh mất, tôi rất đau xót, bạn già gần hết rồi, 3 anh em ở chung mất đi một, còn một ông cũng đang nằm viện. Khi nghe tin anh mất, tôi không ngạc nhiên nhưng rất đau đớn, còn nhiều việc muốn làm nhưng chưa làm được. Nhưng không biết làm thế nào, quy luật rồi" - ông Dục lặng người rướm nước mắt.

Nhớ mãi người học trò chăm chỉ, dễ mến

Biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, GS Hà Minh Đức, nguyên giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội), cho biết ông rất buồn, đau xót. Ông là giáo viên thời đại học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

GS Hà Minh Đức

GS Hà Minh Đức

"Sinh viên Nguyễn Phú Trọng ngày ấy ít nói, lặng lẽ, chăm chỉ học tập. Ông Trọng luôn cố gắng làm sao để trong thời gian ấy tích lũy được nhiều kiến thức nhất. Khi tốt nghiệp, ông Trọng làm đề tài khóa luận ảnh hưởng của thơ dân gian đến thơ Tố Hữu, việc chọn lựa này có ý nghĩa vì thơ Tố Hữu nói nhiều về cách mạng, vấn đề dân tộc" - GS Hà Minh Đức nhớ lại.

Một kỷ niệm là năm 2022, lớp văn K8 tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày ra trường và mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự, Tổng Bí thư rất hoan nghênh. GS Hà Minh Đức hồi tưởng hôm đó ông có phát biểu một số ý kiến. Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ngắn gọn mấy câu: "Tôi cảm ơn giáo sư Hà Minh Đức đã phát biểu những ý kiến minh mẫn, chuẩn mực đến từng câu, từng chữ. Trước sau, tôi vẫn là học trò của các thầy, là bạn thân của các anh, chị của lớp. Năm tháng trôi qua như lời tôi phát biểu ở buổi gặp mặt lần thứ nhất năm 2012 như một đám mây sẽ qua đi, cái còn lại là tình bạn bè, tình bằng hữu".N.Hưởng - H.Thanh


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo