Theo Live Science, một nghiên cứu mới cho thấy một thời kỳ "tiểu băng hà" có thể chính là yếu tố thúc đẩy sự tan rã cuối cùng của Đế chế Tây La Mã.
Đó là sự kiện được cho là liên quan đến mô tả của nhà sử học Byzantine Procopius vào năm 536 về một bầu trời u ám kéo dài, đi kèm với cái lạnh và mất mùa nghiêm trọng.

Bức tranh mô tả sự sụp đổ của Đế chế La Mã - Ảnh: ABOUT HISTORY
Ngày chính xác cho sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã từ lâu vẫn được các nhà sử học tranh luận.
Một số người cho rằng sự sụp đổ chính thức nên đánh dấu bằng năm 410 sau Công nguyên với cuộc cướp phá Rome của người Visigoth. Ý kiến khác cho rằng thời điểm này được đánh dấu bởi sự thoái vị của hoàng đế La Mã Romulus Augustulus vào năm 476.
Những cũng có ý kiến cho rằng phải gần một thế kỷ sau những gì còn lại của đế quốc hùng mạnh này mới thực sự bị xóa sổ. Nghiên cứu mới ủng hộ điều đó và chỉ ra nguyên nhân cụ thể.
Họ đã tìm thấy bằng chứng trong các phiến đá cổ trôi từ Greenland đến bờ biển phía Tây Iceland.
Đó là các tảng đá granite niên đại từ năm 500 đến 700 sau Công Nguyên. Đá granite là một loại đá magma xâm nhập, tức liên quan đến các sự kiện núi lửa.
Sự di chuyển của các tảng đá này là do hiện tượng băng trôi gia tăng, cho thấy sự mở rộng của các sông băng ở Greenland trong thời kỳ tiểu băng hà nói trên.
Viết trên tạp chí khoa học Geology, nhóm tác giả cho biết các tảng đá trên đã hướng họ đến thâp kỷ từ năm 536 đến 547 sau Công Nguyên, với 3 vụ phun trào núi lửa lớn giải phóng lượng tro bụi đáng kể, che phủ bầu trời hàng trăm năm, làm giảm nhiệt độ toàn cầu.
Theo PGS Christopher Spencer, chuyên gia về kiến tạo hóa học tại Đại học Queen ở Kingston (Canada), tác giả chính, sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt này có thể đã gây ra mất mùa và đói kém, làm gia tăng áp lực xã hội và góp phần vào sự tan rã của đế chế.
Riêng nó không hủy diệt đế chế Tây La Mã hùng mạnh, nhưng đóng vai trò như "giọt nước tràn ly", góp phần vào chuỗi biến động chính trị, khủng hoảng kinh tế, tham nhũng, dịch bệnh, nội chiến và xâm lược.
Các bằng chứng này được ủng hộ bởi lịch sử thế giới, vì giai đoạn biến đổi khí hậu này cũng liên quan đến sự sụp đổ của các vương triều và nền văn minh khác.
PGS Spencer cho rằng các phát hiện này mang ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu cách biến đổi khí hậu có thể tác động đến thế giới ngày nay - không chỉ là lời cảnh báo, mà còn giúp đưa các dự đoán - để từ đó có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Bình luận (0)