icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng hiệu quả chính sách, không để cán bộ sợ sai

Văn Duẩn - Huy Thanh

Không cần nhiều chính sách nhưng cần nâng cao tính khả thi, đặc biệt cần đứng từ góc độ người dân và doanh nghiệp để hiểu họ thực sự muốn gì

Ngày 25-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của QH về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của QH về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Cần trọng tâm, trọng điểm

Các đại biểu (ĐB) QH đã bày tỏ đồng thuận với báo cáo giám sát về nhiều kết quả đạt được, nhưng cũng nêu không ít tồn tại; đồng thời, "hiến kế" giải pháp để sau này nếu triển khai những chính sách tương tự sẽ đạt được kết quả tốt hơn.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH - khẳng định với chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc kịp thời của QH, Chính phủ, sự cố gắng của mỗi người dân và doanh nghiệp đã đạt được kết quả không thể phủ nhận và đáng trân trọng. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra: Nếu một lần nữa dịch bệnh xảy ra, liệu chúng ta có áp dụng những chính sách như đã áp dụng cũng như có tổ chức thực hiện như cách chúng ta đã làm hay không?

"Câu trả lời có lẽ là chưa hẳn chúng ta sẽ lặp lại, bởi có những điều ta có thể làm tốt hơn" - bà Mai nói.

Theo ĐB này, bài học thứ nhất là tính kịp thời trong tổ chức thực hiện. Đây là yêu cầu quan trọng nhất, xuyên suốt trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra. Chủ trương của chúng ta quy định rất rõ các giải pháp phải kịp thời, các chính sách phải khẩn trương và nguồn vốn phải hấp thụ được ngay. Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, đến nay có một số nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành, làm giảm tính thời sự, ảnh hưởng đến tính ứng phó kịp thời của một số chính sách.

Bài học thứ hai về cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. Bà Mai cho biết bên cạnh rất nhiều chính sách hợp lý, cũng có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống như: chính sách hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại, chính sách hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển du lịch hay việc sử dụng Quỹ Viễn thông công ích…

Nếu có thể làm lại, đại biểu này nhấn mạnh rất cần có trọng tâm, trọng điểm. "Chúng ta không cần nhiều chính sách, nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt là cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì, doanh nghiệp thực sự muốn gì" - ĐB này nói.

Cân nhắc yếu tố thời điểm

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM), đại dịch COVID-19 đã gây hậu quả rất nặng nề, không chỉ trong một năm mà kéo dài trong nhiều năm. TP HCM là địa phương bị tổn thương rất nặng do đại dịch. "TP HCM không thể quên những tháng ngày rất đau thương đó và càng không thể quên sự hỗ trợ, sự giúp đỡ, chia sẻ của đồng bào cả nước đối với nhân dân thành phố" - ông nói.

Về nguyên nhân tồn tại, vị đại biểu đồng thời là chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên nhân đầu tiên, đây là một việc chưa có tiền lệ, nên chúng ta rất lúng túng khi "vừa phải kiểm soát dịch bệnh nhưng mà phải phục hồi, phát triển kinh tế". Cùng với đó là thể chế, bởi lúc đó "vừa làm vừa lo sợ", vừa phải cấp bách cứu dân, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng sợ sau đó hậu kiểm có sai không.

"Tất cả những cái đó làm cho chúng ta khó khăn" - ông Ngân hy vọng trong thời gian tới sẽ khắc phục được những tồn tại đã được chỉ ra, để "chúng ta có gói hỗ trợ đúng hơn, thực tế hơn, phù hợp với thực tế phát sinh".

ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng nếu trong tương lai có các chương trình có hỗ trợ kinh tế vĩ mô, phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cho phép khi thực thi công vụ được vận dụng các quy định pháp luật phù hợp nhất  Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cho phép khi thực thi công vụ được vận dụng các quy định pháp luật phù hợp nhất Ảnh: Lâm Hiển

Cần tiếp tục giảm thuế

ĐB Vũ Thị Lưu Mai cũng nêu quan điểm về đề xuất của Chính phủ tiếp tục kéo dài thời hạn giải ngân đối với một số dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đến hết năm 2025.

Theo bà Mai, trong số 272 dự án thuộc chương trình này, có tới 107 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí, song cũng cần xem xét thận trọng.

Còn ĐB Mai Thanh Hải (đoàn Thanh Hóa) và ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cùng đề nghị QH cân nhắc xem xét, cho phép tiếp tục kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT, bởi tình hình sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn và khả năng phục hồi, phát triển chưa thực sự bền vững.

Trong khi đó ĐB Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đề nghị đối với các dự án không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, cần dừng ngay việc triển khai để tránh lãng phí khi dự án dở dang. Đối với các dự án đang thực hiện, đề nghị có các giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ và xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn chương trình đến hết năm 2025 đối với các dự án có khả năng hoàn thành.

Bà Ngọc cũng đề xuất QH xem xét kéo dài việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và chương trình cho vay để mua, thuê mua nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội do những hiệu quả mà chính sách mang lại thời gian qua, đồng thời nhu cầu thực tế của người dân đối với chính sách trên còn rất lớn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị QH tiếp tục giám sát việc kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong các tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo giám sát, bởi chỉ khi nghiêm túc kiểm điểm, thì những hạn chế, tồn tại mới không lặp lại - nhất là việc chậm, muộn ban hành văn bản thực hiện.

Còn ĐB Thạch Phước Bình kiến nghị QH, Chính phủ điều chuyển nguồn vốn đối với các chính sách kém hiệu quả sang các chính sách mà xã hội, người dân đang có nhu cầu, nhằm phát hiệu hiệu quả các chính sách hỗ trợ. Đồng thời tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất các chương trình tín dụng chính sách theo và các chính sách giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp.

Vì sao không dám làm?

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), thực tế hiện nay có rất nhiều quy định không phù hợp thực tế. Mọi người đều thấy cần phải làm khác đi so với quy định mới phù hợp với thực tế và mới có hiệu quả. Nhưng khi thi hành công vụ, người thi hành vẫn phải tuân thủ quy định. Thậm chí nhiều người không dám làm, phải đùn đẩy trách nhiệm lên trên.

Theo ông Cường, các quy định của pháp luật luôn có sự giao thoa, phù hợp với lĩnh vực này, địa phương này, thời điểm này nhưng có thể không phù hợp với lĩnh vực khác, địa phương khác và thời điểm khác.

Do vậy, để khắc phục tình trạng cán bộ không dám hành động vì sợ sai như hiện nay, đồng thời khuyến khích cán bộ thực thi công vụ năng động, sáng tạo, ông Cường đề nghị QH cần có một nghị quyết cho phép khi thực thi công vụ được vận dụng các quy định của pháp luật hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật phù hợp nhất, linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với đối tượng, điều kiện, hoàn cảnh thực tế.

Để thực hiện cơ chế này, trước khi thực hiện phải lập một kế hoạch hành động thực hiện, trong đó chỉ rõ lý do sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo và khác gì so với quy định hiện hành, báo cáo kế hoạch này với cơ quan có thẩm quyền về cách làm và cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, phê duyệt để cho phép được thực hiện.

Việc phê duyệt phải dựa trên cơ sở tính khả thi và phù hợp với thực tế, không trái với quy định cấm của pháp luật. Không được trái với các quy định cấm của pháp luật, chứ không phải tuân thủ quy định pháp luật như hiện nay. "Bởi nếu phải tuân thủ quy định pháp luật hiện nay thì tất cả những năng động, sáng tạo sẽ không bao giờ được phép chấp nhận" - ông Cường nói. 

ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng khi ban hành chính sách phải cần bảo đảm tính rõ ràng, khả thi, tránh chồng chéo dẫn đến việc nhiều bộ, ngành, địa phương phải tổ chức xin ý kiến, gây mất thêm chi phí, thời gian không cần thiết.

Quan tâm chỉ đạo 3 nội dung

Dù đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết như dự thảo trình QH nhưng để triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đề xuất QH, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo 3 nội dung.

Cụ thể, trước hết cần khẩn trương chỉ đạo, đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả các nội dung tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo của đoàn giám sát. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm việc tháo gỡ điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp. Bởi theo khảo sát, có đến hơn 56% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận các khoản vay theo gói hỗ trợ. Hai là, ngay sau kỳ họp thứ 7, QH, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung nghiên cứu xem xét hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho 27 địa phương, bộ, ngành với 70 kiến nghị, được tổng hợp tại phụ lục số 5 ban hành kèm theo báo cáo giám sát. Ba là, chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách đến từng doanh nghiệp đủ điều kiện để họ biết và tham gia.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo