Sau 2 ngày điều trị ở Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Pa, vừa trở về nhà ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, ông Châu A Chùng vẫn cố gắng tiếp chuyện chúng tôi. Nỗi sợ hãi xen lẫn bất ngờ dường như vẫn còn hiện trên gương mặt thất thần. May mắn mà ông còn sống sót khi bị đất đá cuốn văng đi xa đến 2-300 mét, rồi mắc vào 1 gốc cây ven bờ ruộng bậc thang.
Ông kể giữa buổi trưa ngày 8-9, khi đang ngủ trong nhà cùng với vợ và mẹ đẻ, liền đó là ngôi nhà sàn của hai con trai cùng các cháu nội, bất ngờ nghe 1 tiếng nổ "ùng" rất to, rồi tối tăm mặt mũi không biết gì nữa. Ông Chùng bị dòng lũ đất đánh bạt đi, quăng xa đến mấy trăm mét, may vướng vào gốc cây chìa ra ở rìa bờ ruộng mà thoát chết.
Mọi người cứu ông lên khỏi đống bùn đất đen đặc, ngổn ngang gỗ đá, đưa ngay đi bệnh viện cấp cứu. Đau đớn thay, mẹ ông là bà Vàng Thị Mảo đã bị đất đá cuốn, thi thể bầm dập vì va đập vùi trong lũ đất.
Nhà hai con trai ông Chùng ở ngay liền kề. Khi núi lở sập xuống, hai vợ chồng con trai cả là Châu A Bảo cùng vợ may mắn chạy thoát, nhưng con gái Châu Ngọc Lan thì mất tích, đến nay vẫn chưa tìm thấy. Vợ chồng người con trai thứ hai là Châu A Sinh gánh nỗi đau không biết bao giờ nguôi. Anh Sinh bị lũ đất cuốn đi tuột hết cả quần áo, thân thể bầm dập nhưng may mắn còn sống sót, còn vợ Vàng Thị Cá và con trai Châu Gia Hưng mới hơn 1 tuổi đã bị lũ đất cuốn trôi, vùi lấp. Khi lực lượng cứu hộ tìm thấy, hai mẹ con vẫn còn ôm chặt nhau trong lấm lem bùn đất, không ai cầm được nước mắt…
"Bao nhiêu đời qua mình ở đây sinh sống, làm ruộng bậc thang, làm vườn, còn lên núi đó thả trâu, chăn dê…, không ai ngờ nó lại sụp xuống nhanh thế, như bàn tay dữ xóa hết mọi thứ. Đau quá…!"- ông Châu nấc nghẹn.
Ông Châu kể ngọn núi không cao lắm, ở phía sau của bản Hòa Sử Pán 1, với 100% là dân tộc Mông sinh sống bao đời bên rừng cây phong lá đỏ và những cung ruộng bậc thang rất đẹp, nhất nhì Sa Pa. Từ dưới bản, mọi người vẫn thường leo ngược dốc lên trên đỉnh núi có một bãi rộng khá bằng phẳng để chăn thả và có khi nuôi giữ trâu luôn trên đó. Vậy mà chẳng ngờ có ngày ngọn núi đó sập xuống chôn vùi tất cả…
Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Hoa Tẩn A Sinh cho biết, hầu hết bà con người Mông ở Hòa Sử Pán sống dựa vào ruộng bậc thang và chăn nuôi. Hơn chục năm trở lại đây, thị xã Sa Pa khuyến khích bà con tận dụng và phát huy thế mạnh cảnh quan rừng tự nhiên, ruộng bậc thang và văn hóa bản địa, nghề truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng, làm homestay đón khách trong và ngoài nước.
Hằng năm, vào mùa lúa chín, từ tháng 9 đến tháng 10, du khách trong và ngoài nước nườm nượp đến khám phá và trải nghiệm. Nhờ vậy mà đời sống của bà con nơi đây thay đổi rõ rệt, khá hơn hẳn, nhiều gia đình vay vốn ngân hàng làm nhà sàn, đổ đường bê tông sạch và kiên cố, trồng rừng phong lá đỏ tạo cảnh quan đẹp thu hút du khách. Xã Mường Hoa cũng vừa đón nhận Bằng đạt chuẩn Nông thôn mới của tỉnh. Cuộc sống đang phát triển đi lên, vậy mà dòng lũ đất cuốn phăng…
Không chỉ mất người, người dân Hòa Sử Pán 1 còn trắng tay vì bao nhiêu ruộng bậc thang để sản xuất lương thực, rau xanh, cây ăn quả và tạo cảnh quan thu hút du khách, từ đó có nguồn thu nhập ổn định nay đã bị san phẳng thành bình địa. Phải mất rất nhiều thời gian và công sức để khôi phục.
Rời nhà anh Châu A Chùng, chúng tôi xuống phía dưới đất quét qua, ở đó còn trơ lại khung cổng chào bằng gỗ, bên cạnh là chiếc xe du lịch hiệu Mazda bẹp dúm dó đầy bùn đất và cỏ rác. Đó là cơ sở homestay đẹp nhất nhì Hòa Sử Pán 1 vừa đưa vào hoạt động đã bị đất đá san phẳng. Chủ homestay là anh Đỗ Mạnh Hùng than thở: "Vừa vay ngân hàng mấy tỉ đồng đầu tư homestay với quán cà phê có view rất đẹp ngắm trọn ruộng bậc thang đẹp như mê của Hòa Sử Pán, chưa được mấy ngày thì trắng tay, giờ ôm thêm món nợ hàng tỉ đồng. Chẳng biết lấy cái gì, đến khi nào mới hồi phục được…".
Trời vẫn mưa không ngớt kể từ hôm xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng, tỉnh lộ 152 nối từ thị xã Sa Pa đến Mường Hoa bị sạt lở "lốm đốm" nhiều điểm nên đi lại rất khó khăn. Vậy nhưng, chúng tôi bắt gặp những tốp công an, bộ đội, dân quân và thanh niên từ thị xã đi bộ vào Hòa Sử Pán để giúp người dân nơi đây khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.
Ngay trong đêm đầu tiên vụ sạt lở, các thầy cô giáo ở Trường dân tộc bán trú Mường Hoa đã giành nơi ở, giường chiếu của mình và nấu cơm cho những gia đình bị nạn không để bị cảnh "màn trời chiếu đất". Lãnh đạo tỉnh và huyện lội bộ vào tận hiện trường, đến từng nhà và bệnh viện thăm hỏi, hỗ trợ gia đình người bị nạn. Lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục "đội mưa" để tìm kiếm những người còn mất tích. Tất cả chung tay để sớm vượt qua nỗi đau này.
Bình luận (0)