Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn nhận định năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vì vậy, để các dự án triển khai đúng tiến độ thì phải bảo đảm nguyên tắc dự án nào có ít nhất 75% diện tích mặt bằng đất sạch mới được bố trí vốn triển khai thi công, xây dựng; tuyệt đối không bố trí vốn cho các dự án chưa có đất sạch.
Tăng tốc thi công
Tại dự án xây dựng đường ven sông Đồng Nai - chiều dài 5,2 km (từ cầu Hóa An, TP Biên Hòa đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) - máy móc, nhân công đang hối hả làm việc. Trước tình trạng thiếu mặt bằng, liên danh nhà thầu đã huy động nhiều sà lan để chuyển xe, thiết bị thi công bằng đường sông.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, đánh giá dự án xây dựng đường ven sông Đồng Nai là một trong các dự án có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng nhanh. Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến 11-2023, tỉ lệ giải ngân vốn của dự án tăng từ mức hơn 36% lên gần 49% kế hoạch vốn.
Hiện nay, chủ đầu tư dự án là UBND TP Biên Hòa đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với dự án. Ông Nguyễn Tôn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý dự án TP Biên Hòa, cho biết nhiều hạng mục của dự án đang tăng tiến độ. Đến nay, mặt bằng mới bàn giao được khoảng 70% và chưa có khu tái định cư để phục vụ tái định cư cho người dân nhường đất làm đường. Vì vậy, sau hơn một năm thi công, tiến độ toàn dự án mới đạt 57% do nhà thầu phải vừa làm vừa chờ mặt bằng. Hiện nhà thầu đã thi công phần đắp nền đường và đang tổ chức 5 mũi thi công cầu Rạch Lung. "UBND TP Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tháo gỡ khó khăn về tái định cư để sớm bố trí tái định cư cho các hộ dân nhường đất làm dự án. Dự kiến, trong quý I/2024 bàn giao toàn bộ mặt bằng, cuối năm nay sẽ hoàn thành công trình" - ông Trọng thông tin.
Những ngày đầu năm mới 2024, trên công trường thi công các dự án giao thông của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở nên sôi động hơn khi các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công. Tại các dự án đường 991B, đường Long Sơn - Cái Mép, dự án cầu Phước An, hàng trăm công nhân hối hả làm việc. Tại gói thầu 38 (xây lắp cầu dẫn từ đầu tuyến đến trụ dẫn T36-T37) của dự án cầu Phước An, chỉ huy trưởng đang đốc thúc công nhân tăng tốc làm việc, 400 công nhân của 4 nhà thầu chia ca, kíp để thi công xuyên đêm.
Năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có kế hoạch triển khai hàng loạt dự án từ cấp tỉnh đến các huyện, thị, thành phố. Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua nghị quyết về phê duyệt kế hoạch đầu tư công năm 2024 với tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh hơn 16.462 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn phân bổ từ trung ương hỗ trợ có mục tiêu vào khoảng 1.260 tỉ đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn đầu tư công trong năm 2024 của tỉnh ước tính hơn 17.722 tỉ đồng.
Bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn
Để tăng cường công tác quản lý đầu tư công, bảo đảm tiến độ giải ngân theo quy định, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành chỉ thị về việc điều hành vốn đầu tư công năm 2024. Chỉ thị yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt những giải pháp tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% số vốn được UBND tỉnh giao đầu năm và bổ sung trong năm (nếu có).
Chủ đầu tư xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án được giao theo từng tháng, nhất là danh mục những dự án đã được HĐND tỉnh gia hạn thời gian bố trí vốn, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 1-2024. Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, kịp thời tham mưu cho cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn trong nội bộ chủ đầu tư và giữa các chủ đầu tư với nhau để bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024.
Tại hội nghị giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh đối với công trình trọng điểm, dự án giao thông kết nối, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, xác định rõ mốc thời gian của từng công việc để bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra, thực hiện đồng bộ những giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm và phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2024 tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hơn 15.000 tỉ đồng. Đồng Nai tiếp tục đặt mục tiêu sẽ giải ngân trên 95% tổng nguồn vốn đầu tư công trong năm.
Để giải bài toán trên, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác giải phóng mặt bằng. UBND các địa phương cần tổ chức rà soát từ bộ máy, con người, quy trình thực hiện để có chấn chỉnh, khắc phục từng khâu, từng bước nhằm đưa công tác giải phóng mặt bằng ngày càng đi vào nền nếp, chuyên nghiệp.
Ông Võ Tấn Đức khẳng định giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2024 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, ngành, là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chủ động xây dựng kế hoạch, xác định tiến độ, lộ trình giải ngân từng dự án theo tuần, tháng, quý, năm để kịp thời theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ theo mục tiêu được đề ra.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài chính theo dõi sát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các chủ đầu tư, kịp thời báo cáo UBND tỉnh hằng tháng để ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, sát với thực tiễn và công khai kết quả giải ngân hằng tháng của các đơn vị, địa phương. "Nỗ lực cao nhất đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc giải ngân đối với các dự án, công trình ngay từ những ngày đầu năm để đạt tỉ lệ giải ngân ở mức cao nhất như đã cam kết" - ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Trong đó, cần tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án, tăng tốc giải ngân đúng quy định. Đồng thời khẩn trương xây dựng các khu tái định cư; xử lý dứt điểm các vướng mắc về pháp lý trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công
Theo UBND tỉnh Bình Phước, năm 2024 tỉnh giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 5.506 tỉ đồng cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị trực thuộc UBND tỉnh.
UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình… Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đầu tư hoàn thành dứt điểm các dự án, công trình đã được phê duyệt, đang triển khai dở dang.
Tại tỉnh Tây Ninh, năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công gần 4.251 tỉ đồng. Đến ngày 10-1 đã giải ngân trên 1,3 tỉ đồng, đạt 0,03% kế hoạch năm 2024. Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, đề nghị người đứng đầu các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư chỉ đạo quyết liệt đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện giải ngân ngay khi có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu; đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước phối hợp chủ đầu tư để đôn đốc hoàn tất các thủ tục thanh quyết toán cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
S.Hưng - N.Thảo
Bình luận (0)