Với chủ đề chính "Giao lộ sáng tạo", Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 9 đến 17-11. Lễ hội này do UBND TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa - Thể thao thành phố và Tạp chí Kiến trúc thực hiện; có sự đồng hành của Văn phòng Đại diện UNESCO tại Hà Nội và nhiều tổ chức, đơn vị khác.
Lần đầu tiên, "Giao lộ sáng tạo" ở thủ đô sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản văn hóa - lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hàng trăm hoạt động sôi nổi ở 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Không chỉ thí điểm tuyến trải nghiệm mới, "giao lộ" này còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của Hà Nội, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực; đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người dân thủ đô.
Điểm khởi đầu "Giao lộ sáng tạo" - "Trục tinh hoa di sản" Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông là Cung Thiếu nhi Hà Nội, nơi tổ chức triển lãm "Hoài niệm cho tương lai" với trên 30 hoạt động như: triển lãm, chiếu phim, biểu diễn sân khấu, sắp đặt kiến trúc; kết hợp với các sự kiện vệ tinh: workshop, hành trình trải nghiệm, tọa đàm, hoạt động cộng đồng... Điểm cuối là tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp cũ - tiền thân là tòa nhà chính của Đại học Đông Dương, nơi diễn ra tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác "Cảm thức Đông Dương", trưng bày 22 tác phẩm độc đáo, gợi mở cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ, nghệ sĩ hiện nay.
Từ không gian nhỏ ở số 22 Hàng Buồm vào năm 2021, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã mở rộng, trở thành một sự kiện lớn vào năm 2022 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Tới năm 2023, với sự kết nối giữa các di sản nổi bật như Bốt Hàng Đậu, Ga Long Biên, Cầu Long Biên, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm..., lễ hội đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự. Đây là nền tảng vững chắc cho việc phát triển các hoạt động sáng tạo trong tương lai, góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo hàng đầu khu vực và quốc tế.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đỗ Đình Hồng, trong định hướng xây dựng "Thành phố sáng tạo", bên cạnh việc triển khai các sáng kiến cam kết với UNESCO, Hà Nội còn phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa ở 12 nhóm ngành, nghề, lĩnh vực; hình thành môi trường thúc đẩy sáng tạo và xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là về khoa học công nghệ. Hà Nội kêu gọi cộng đồng, các kiến trúc sư và giới trẻ chung tay thiết kế sáng tạo, hiện thực hóa tầm nhìn, biến thành phố này trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế.
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính đánh giá các hoạt động sáng tạo của Hà Nội rất tích cực. Điều quan trọng là làm thế nào để việc sáng tạo ấy có sự chuyển động, tránh lãng phí và tạo ra xu hướng, trào lưu trong xã hội.
Bình luận (0)