Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Những thông điệp trong nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đi thẳng vào những trở ngại tồn tại lâu nay. Chỉ cần triển khai tốt Nghị quyết 68 sẽ tạo ra bước ngoặt đột phá cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Cắt giảm 30% chi phí tuân thủ
Nghị quyết 68 đặt mục tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ pháp luật ngay trong năm 2025. Đây được xem là bước đi táo bạo nhằm tạo đột phá cho môi trường kinh doanh, khi chi phí tuân thủ hiện là gánh nặng kéo dài với cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), nhiều thủ tục hành chính như hoàn thuế, thanh kiểm tra, kiểm dịch, PCCC hay các chi phí không chính thức đang làm dòng tiền DN bị ứ đọng. Khi không được hoàn thuế kịp thời, DN buộc phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, kéo theo hệ lụy làm giảm sức cạnh tranh. Ông Hiến nhấn mạnh việc cải thiện các thủ tục, đặc biệt là hoàn thuế, sẽ giúp DN tăng khả năng tiếp cận vốn để tái đầu tư và mở rộng sản xuất.
Lãnh đạo Bidrico kỳ vọng nhà nước sẽ có những hành động quyết liệt trong việc tháo gỡ rào cản thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Nếu được triển khai hiệu quả, Nghị quyết 68 sẽ trở thành cú hích đáng kể trong việc nâng cao vai trò của khu vực tư nhân.
Trong khi đó, ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại Ede (thương hiệu MISS EDE, tỉnh Đắk Lắk), đánh giá hiện nay, đa số thủ tục hành chính đã được tích hợp vào dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi đáng kể. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn đến từ việc thực hiện các điều kiện kinh doanh ở những ngành nghề có điều kiện.
Ông Hữu đề xuất cần minh bạch hóa các yêu cầu pháp lý, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đồng thời, đơn giản hóa quy trình cấp phép bằng cách gom các điều kiện từ nhiều sở, ngành vào đầu mối cấp phép duy nhất.
Ngoài vấn đề thủ tục, các DN vừa và nhỏ còn gặp khó trong việc tiếp cận đất sản xuất. Tình trạng đầu cơ đẩy giá đất tại các khu công nghiệp khiến DN thực sự có nhu cầu không thể tiếp cận, trong khi đất bị bỏ hoang hoặc không sử dụng hiệu quả. Do đó, các chính sách kêu gọi đầu tư cần có tiêu chí rõ ràng, minh bạch để loại bỏ tình trạng này.

Việc cắt giảm 30% chi phí tuân thủ pháp luật ngay trong năm 2025 được xem là bước đi táo bạo, nhằm tạo đột phá để kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Với nhóm hộ kinh doanh, vấn đề thuế tiếp tục là mối quan tâm lớn. Ông Đoàn Văn Minh Nhựt, đồng sáng lập thương hiệu Bánh mì Má Hải, cho biết khi chuyển đổi từ hình thức thuế khoán sang tự kê khai thuế, nhiều hộ e ngại sẽ phát sinh thủ tục phức tạp và chi phí cao hơn.
Để tạo thuận lợi, theo ông Nhựt, cơ quan chức năng cần hướng dẫn cụ thể, cho phép kê khai và nộp thuế linh hoạt cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Ngoài ra, nên xem xét giảm khung thuế trong giai đoạn đầu chuyển đổi để giúp hộ kinh doanh làm quen và tuân thủ tốt hơn.
Không chỉ trong nước, nhu cầu mở rộng đầu tư ra nước ngoài đang gia tăng nhưng cũng gặp không ít trở ngại. Ông Nguyễn Hữu Thông, Giám đốc Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (Bình Dương), cho biết DN ông xuất khẩu sang Mỹ và đang có kế hoạch xây dựng nhà máy tại đây nhằm ứng phó các chính sách thuế mới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thiếu thông tin và không rõ cơ quan nào có thể hỗ trợ về thủ tục, tiếp cận vốn hay tư vấn thị trường. DN đang phải "tự bơi" trong quá trình tìm hiểu đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng chúng ta hiện chưa có nhiều chính sách hỗ trợ DN đầu tư ra nước ngoài. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động, nhiều nước đã có cơ chế bảo hiểm đầu tư, chính sách bảo hộ và các kênh hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích DN ra thế giới. Theo ông, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh chính sách theo hướng này nếu muốn nâng tầm DN trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phải có cách làm mới
Là người thấu hiểu những khó khăn của DN tư nhân, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho rằng những việc cần làm ngay là các cơ quan chức năng phải nhập cuộc thật nhanh và mạnh để thực hiện những yêu cầu của Nghị quyết 68.
"Mong Chính phủ có lộ trình cụ thể hóa Nghị quyết 68, thời gian nào cho nội dung nào; thời hạn cho các địa phương hoàn thành công việc. Chẳng hạn, cắt giảm 30% thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật thì thời gian hoàn thành là trong bao lâu? Cần con số cụ thể, bởi chỉ một bộ phận hay một cơ quan không đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến kết quả và không phát huy tác dụng" - ông Hòa phân tích.
Thậm chí, cần phải xếp thứ tự ưu tiên, những yếu tố nào cần tập trung giải quyết trước, ngay trong quý hoặc tháng. Các giải pháp cụ thể sẽ đem lại niềm tin, sự tiếp sức quý giá cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
"HUBA đang ghi nhận nhiều ý kiến của DN liên quan các khó khăn về vốn, chi phí thuế, lãi suất và đóng vai trò kết nối tới cơ quan chức năng, các bộ, ngành để nắm rõ tình hình của DN, từ đó có giải pháp tốt nhất" - ông Hòa thông tin.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược), nhấn mạnh phải có cách làm mới, làm khác để thực hiện Nghị quyết 68. Ông đánh giá việc thực thi Nghị quyết 68 sẽ phải bỏ đi nhiều quy định, nhiều văn bản pháp luật để chấm dứt cơ chế xin - cho, chuyển quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đơn cử, có thể bãi bỏ nhiều quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, chuyển các vấn đề quy phạm vào trong Luật Ngân sách.
"Tổng Bí thư từng nói cùng một vấn đề chỉ nên quy định tại một luật. Hiện nay, chúng ta có nhiều luật cùng quản lý một hoặc một số lĩnh vực tương tự. Ví dụ, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai… cùng quản lý lĩnh vực đất đai, bất động sản tổng hòa, bao trùm, khiến DN và người dân gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong thực thi, tuân thủ các quy định khác nhau" - ông Cung dẫn chứng.
Theo ông Cung, việc thay đổi không phải thể hiện luật đúng hay sai mà là để phù hợp với chủ trương lớn, quyết sách lớn. Do vậy, cần có "cuộc cách mạng" trong xây dựng luật và quản lý. "Trong bối cảnh các bộ, ngành đã tinh gọn thì các luật cần xây dựng theo nguyên tắc một lĩnh vực chỉ một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, để nâng cao trách nhiệm xây dựng, giải trình" - chuyên gia này nêu ý kiến.
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, như Nghị quyết 68 đã nêu, để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho DN. "Cần mạnh mẽ cải cách thể chế, xóa bỏ tư duy "xin - cho", chuyển từ quản lý sang kiến tạo phát triển. Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện để DN tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật" - ông Cường nhận xét.
Nghị quyết 68 cũng nhấn mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong quản lý thuế. Ông Hoàng Văn Cường cho hay nhiều hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển thành DN do lo ngại thủ tục phức tạp như kê khai thuế, thuê kế toán hay báo cáo định kỳ, ngay cả khi không có doanh thu. Do đó, cần loại bỏ các thủ tục không cần thiết để khuyến khích DN chuyển đổi và phát triển.
Ngoài ra, Nghị quyết 68 yêu cầu rà soát hệ thống pháp luật, bảo đảm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Doanh nhân cần được khuyến khích dấn thân, thử nghiệm và có cơ hội làm lại nếu thất bại, thay vì lo ngại rủi ro pháp lý không đáng có.
Mạnh dạn bãi bỏ, cắt giảm thay vì sửa đổi
Nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho biết Nghị quyết 68 đã thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN gia nhập thị trường.
"Thông điệp rõ ràng là loại bỏ các rào cản hành chính, giảm 30% thủ tục và chi phí tuân thủ. Đây là bước tiến lớn so với giai đoạn những năm 2000" - ông Hiếu nhìn nhận. Theo ông, cải cách thể chế đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư - kinh doanh.
Đại biểu Quốc hội này đề nghị thay vì chỉ sửa đổi, chúng ta cần mạnh dạn bãi bỏ, cắt giảm những quy định không còn phù hợp, kể cả luật hay nghị định. Đây là tinh thần đổi mới, phù hợp với việc xây dựng và thực thi pháp luật trong bối cảnh mới. Bên cạnh việc cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thì vấn đề thực thi pháp luật cũng cần đổi mới.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)