xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Bài và ảnh: PHAN ANH

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP HCM trong 5 tháng đầu năm rất thấp, Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo nhiều đầu việc cụ thể đến các sở, ngành, chủ đầu tư

Năm 2024, TP HCM cần giải ngân hơn 79.000 tỉ đồng vốn đầu tư công nhưng tính đến hết ngày 24-5 mới giải ngân hơn 6.700 tỉ đồng, đạt 8,5% kế hoạch. Dự kiến, con số hết tháng 5 vào khoảng 11.000 tỉ đồng, chỉ đạt 13,7% kế hoạch.

Hết thi đua, giải ngân cầm chừng

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 về tình hình kinh tế - xã hội TP HCM chiều 31-5, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi bày tỏ sốt ruột khi thành phố đặt mục tiêu giải ngân 10%-12% trong quý I và 30% trong quý II nhưng đến nay mới chớm đạt chỉ tiêu của quý I. "Công tác giải ngân đáng lo. Trong tháng 4, tháng 5, thành phố xác định mỗi tuần giải ngân từ 3.500 - 4.000 tỉ đồng nhưng thực tế khối lượng chỉ khoảng 200-300 tỉ đồng/tuần. Đây là khối lượng rất thấp so với yêu cầu" - ông Phan Văn Mãi nhận định và yêu cầu các đơn vị phân tích, đưa ra giải pháp để tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP HCM, nhìn nhận tình hình khó khăn về vật liệu, mặt bằng không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến tỉ lệ giải ngân giảm như 2 tháng vừa qua. So sánh tháng 4, tháng 5 năm 2024 với đợt thi đua 60 ngày đêm giải ngân vốn đầu tư công cuối năm 2023, ông Hải nói giai đoạn đó có ngày giải ngân tới cả ngàn tỉ đồng còn những tuần vừa qua không tuần nào giải ngân trên 200 tỉ đồng. Điều đó cho thấy khi có sự thúc đẩy tinh thần làm việc thì giải ngân sẽ cao, hết đợt thi đua cao điểm mọi thứ sẽ trở lại cầm chừng. Do đó, ông Hải đề nghị cần có đợt phát động thi đua và kiểm tra, giám sát chủ đầu tư, nhà thầu để tạo sự chuyển biến. Giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm khá thấp, gây áp lực lên những tháng cuối năm, thậm chí phải chuyển vốn sang năm 2025.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm lại cho rằng các dự án đang triển khai giải ngân thấp do năng lực nhà thầu và điều hành của chủ đầu tư cùng với tình trạng thiếu vật liệu thi công. Còn các dự án mới thì khâu chuẩn bị rất quan trọng, chủ đầu tư phải chuẩn bị kỹ, tránh hồ sơ gửi lên phải trả về. Ông dẫn chứng dự án Vành đai 2 có tổng mức đầu tư gần 8.000 tỉ đồng đang lặp lại tình trạng này.

Không hài lòng với việc chuẩn bị hồ sơ dự án Vành đai 2 không kỹ lưỡng, Chủ tịch UBND TP HCM nói việc này khiến dự án "đi tới không được mà quay lại sửa thì mất rất nhiều thời gian". Dự án bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8 cũng được Chủ tịch UBND TP HCM "điểm tên", khi có thể một phần lớn nguồn vốn phải chuyển sang năm sau. Do đó, ông yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM và UBND quận 8 phải ngồi lại xử lý, tạo chuyển biến thật sự.

Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ chiều 31-5

Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ chiều 31-5

Không để tình trạng kéo dài

Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP HCM thừa nhận công tác giải ngân của ban chậm và thấp tập trung vào các dự án chuyển tiếp. Lãnh đạo ban cho biết đã làm việc với từng nhà thầu, đề nghị cam kết tháng 6 phải có chuyển biến, nếu không sẽ xử lý nghiêm theo chỉ đạo của UBND TP HCM.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, lại cho rằng một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ giải ngân là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Như dự án rạch Xuyên Tâm, phần giải phóng mặt bằng tại quận Bình Thạnh với 5.400 tỉ đồng nhưng hiện nay quận chưa phê duyệt phương án bồi thường. Còn dự án bờ Bắc kênh Đôi với 2.700 tỉ đồng giải phóng mặt bằng cũng đang tìm cách tháo gỡ nhưng chưa có kết quả. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho rằng với các dự án giao thông cơ cấu giải ngân thường rơi vào quý III, quý IV. Hiện ban đang thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ khởi công và thi công các dự án.

Trong suốt phiên họp, "tập trung" và "quyết liệt" là hai từ được Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo liên tục đến các cá nhân và đơn vị. Nhiều đầu việc cụ thể đã được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo khi phát biểu kết luận.

Hai Phó Chủ tịch UBND TP HCM là Nguyễn Văn Dũng và Bùi Xuân Cường được yêu cầu tập trung chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Còn các chủ đầu tư phải điều hành quyết liệt các dự án bởi "hơn ai hết các chủ đầu tư mới biết dự án vướng gì", từ đó chủ động giải quyết, vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo ngay UBND TP HCM.

Chủ tịch UBND TP HCM giao Văn phòng UBND TP HCM cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 6 phải kiểm tra một số dự án để đánh giá và xử lý kịp thời, không để tình trạng kéo dài. Đối với các nhà thầu không bảo đảm tiến độ, kế hoạch đề ra, phải kiểm tra, xử lý. Còn với những yêu cầu chính đáng của nhà thầu cũng phải xem xét và giải quyết sớm để đẩy nhanh tiến độ. Như tuyến Metro số 1, các đơn vị cần ngồi lại với nhà thầu Nhật Bản thống nhất triển khai.

Chủ tịch UBND TP HCM cũng yêu cầu rà soát lại tất cả hồ sơ khối lượng hoàn thành cần thanh toán, kiểm tra hồ sơ tồn đọng ở Sở Tài chính. Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư, Chủ tịch UBND TP HCM sẽ nhận dự án rạch Xuyên Tâm và bờ Bắc kênh Đôi để cùng tháo gỡ. "Chúng ta phải làm để đồng tiền đi vào nền kinh tế, thúc đẩy phát triển. Cán bộ phải biết tự ái để làm, không chờ kiểm tra, đôn đốc phê bình mới làm" - ông Phan Văn Mãi chỉ đạo. 

Chúng ta cần tỉ lệ giải ngân thật, cần công trình hoàn thành, cần tiền đi vào nền kinh tế để tạo ra tăng trưởng, chứ không cần con số đẹp. Do đó, các đơn vị phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần trách nhiệm cao".

(Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi)

Làm sao tiêu được tiền?

Thảo luận tại phiên họp, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP HCM - dự báo năm nay, thậm chí năm tới, thế giới và Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn trì trệ. Trong bối cảnh đó, TP HCM có thể bứt lên được không, có duy trì được sự tăng trưởng, phát triển hay không là vấn đề cần bàn.

Theo TS Trần Du Lịch, nhà nước có tiền nhưng không tiêu được, chủ đầu tư có tiền không đầu tư được. Như vậy, vấn đề trọng tâm phải bàn là "làm sao tiêu được tiền". Không có dòng tiền thì không kích tổng cầu, không tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Tháo gỡ để xài tiền, sử dụng tiền để kích sự phát triển. Nếu TP HCM không thay đổi một cách đặc biệt, đột phá trong cách vận hành thì không thể vươn lên.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo